Giảm giá thành từ gốc tạo lợi thế xuất khẩu cho nông sản Việt
Xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh, hướng tới 70 tỷ USD năm 2025, nhưng chi phí logistics cao đã làm giảm sức cạnh tranh nội địa của doanh nghiệp.
Chi phí logistics tăng cao
Sáu tháng đầu năm 2025, nông sản tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu, hướng tới mục tiêu 70 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics cao vẫn là thách thức âm ỉ, đang bào mòn lợi nhuận và làm suy giảm sức cạnh tranh của nông sản, thực phẩm Việt ngay trên chính sân nhà.

Việc rút ngắn thời gian vận chuyển sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho nông sản. Ảnh: Minh Khuê.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chi phí logistics hiện có thể chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Trong khi đó, hạ tầng kho lạnh và vận chuyển lạnh tại Việt Nam vẫn chưa được phát triển đồng bộ. Với các mặt hàng tươi sống như rau, củ, trái cây, thời gian vận chuyển và điều kiện bảo quản ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Không dừng lại ở đó, tổn thất sau thu hoạch tại nhiều vùng trồng nông sản vẫn dao động từ 20 - 40% do thiếu hệ thống bảo quản đạt chuẩn hoặc phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Doanh nghiệp vừa phải gánh thêm chi phí, vừa đối mặt với rủi ro giảm chất lượng, trong khi người tiêu dùng lại phải trả giá cao cho sản phẩm chưa chắc đạt yêu cầu.
Thách thức ấy không chỉ tồn tại ở hàng tươi sống. Với các sản phẩm chế biến, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ bán qua thương mại điện tử, bài toán chi phí giao hàng cũng là trở ngại lớn trong cạnh tranh.
Trong những chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty Meet More đã nói rằng, một hộp cà phê Meet More có giá niêm yết 85.000 đồng, nhưng sau khi cộng thêm phí giao hàng, giá tới tay người tiêu dùng có thể lên đến 105.000 đồng. “Muốn cạnh tranh với hàng ngoại giá rẻ, doanh nghiệp buộc phải giảm giá. Nhưng nếu giảm sâu, sẽ không còn lợi nhuận”, ông Ngọc Luận nói.
Chính vì vậy, dù sản phẩm của Meet More hiện đã có mặt tại hơn 20 quốc gia, nhưng ngay tại thị trường nội địa, việc duy trì giá bán hợp lý kèm dịch vụ giao hàng hiệu quả vẫn là một bài toán đầy áp lực. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm về giá, chi phí logistics cao không chỉ làm tăng giá thành mà còn khiến sản phẩm nội địa khó tiếp cận hơn với phân khúc phổ thông - nơi đang bị hàng nhập giá rẻ chiếm lĩnh.
Tối ưu vận hành để cạnh tranh
Chi phí vận chuyển cao đang buộc nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là nhóm phân phối nông sản, thực phẩm phải thay đổi cách tổ chức vận hành, từ việc tự quản lý đội xe đến lựa chọn đối tác giao hàng. Thay vì đầu tư phương tiện riêng hoặc lệ thuộc vào các đơn vị không chuyên, doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển sang nền tảng vận chuyển chuyên nghiệp.

Các mặt hàng nông sản đòi hỏi khâu vận chuyển cẩn thận để đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Minh Khuê.
Theo thống kê từ Lalamove - nền tảng giao vận ứng dụng công nghệ, nhóm khách hàng phân phối nông sản hiện chiếm đến 32% tổng đơn hàng xe tải của doanh nghiệp này. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao đối với dịch vụ vận chuyển chuyên biệt, linh hoạt và tối ưu chi phí. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển sang sử dụng nền tảng này cho biết, có thể tiết kiệm đến 30% chi phí vận chuyển so với trước đó.
Bởi theo các doanh nghiệp, thay vì phải chờ ghép đơn để đủ chuyến xe tải lớn, giờ đây họ có thể lựa chọn xe tải nhỏ, xe van với các loại thùng chuyên dụng như thùng kín, thùng bảo ôn hoặc thùng đông lạnh, giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa, đồng thời rút ngắn thời gian giao hàng.
Đại diện Farmers Market - đơn vị phân phối rau củ quả tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trước đây, chúng tôi mất rất nhiều thời gian để gom đủ đơn cho chuyến xe lớn. Giờ chỉ cần vài phút là có thể gọi xe van, giao hàng nhanh, đúng nhiệt độ, giảm đáng kể chi phí và thất thoát.
Bên cạnh đó, việc chuyển từ phương tiện không chuyên như ba gác sang xe tải chuẩn hóa còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết và các yếu tố bất thường khác trong vận chuyển.
Đó là câu chuyện của những doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn những doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) của đơn vị vận chuyển vào hệ thống nội bộ để quản lý đồng bộ nhiều chi nhánh, chủ động phân phối theo khu vực. Việc tinh gọn vận hành cũng giúp họ không cần đầu tư đội xe riêng, giảm chi phí cố định nhưng vẫn giữ được sự chủ động và độ phủ thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ giữa hàng Việt với hàng ngoại mà còn giữa các doanh nghiệp nội địa với nhau, tối ưu logistics, đặc biệt là khâu vận chuyển nội địa, đang là con đường bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.