Giám khảo TÔI KHỎE ĐẸP HƠN bất ngờ, khó lựa chọn vì quá nhiều ứng viên xuất sắc

Trong số các ứng viên tham gia phỏng vấn Vòng 2 năm nay, nhiều người đã có kết quả ngoạn mục. Họ không chỉ thay đổi về sức khỏe thể chất, mà sức khỏe tinh thần cũng được cải thiện đáng kể.

Đó là những chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - thành viên Hội đồng Giám khảo, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trước giờ công bố kết quả Top 30 ứng viên xuất sắc tiến tới vòng Chung kết cuộc thi TÔI KHỎE ĐẸP HƠN.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Chủ động tiếp cận kiến thức dinh dưỡng

PGS Nguyễn Thị Lâm cho biết: Nhìn chung, tất cả các ứng viên cuộc thi đã chủ động tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng, biết cân đối đủ các nhóm dưỡng chất quan trọng, bao gồm chất bột đường, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất cho cơ thể trong mỗi bữa ăn. Nhiều ứng viên đã biết điều chỉnh các nhóm thức ăn, lựa chọn các món ăn để phù hợp với thể trạng và mục tiêu sức khỏe đề ra.

Ví dụ, ứng viên Nguyễn Thị Nha Trang đến từ Bắc Giang có tiền sử 8 năm trời mất ngủ kinh niên. Chị đã mất nhiều thời gian, công sức, thử nhiều biện pháp mà không cải thiện được. Nhưng khi thực hành dinh dưỡng lành mạnh kết hợp rèn luyện sức khỏe đều đặn, chị đã cải thiện dần tình trạng mất ngủ, sức khỏe từ đó cũng ổn định hơn.

Tham gia TÔI KHỎE ĐẸP HƠN (lần 2), ngoài hiểu biết hơn về dinh dưỡng, chế độ ăn, các uống nước, chị Trang cũng bổ sung các thêm các vitamin và khoáng chất bởi chúng có vai trò quan trọng với sức khỏe.

Đa dạng về vitamin và khoáng chất giúp bạn có được cơ thể khỏe mạnh (ảnh minh họa).

Đa dạng về vitamin và khoáng chất giúp bạn có được cơ thể khỏe mạnh (ảnh minh họa).

Theo PGS. Nguyễn Thị Lâm, đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Bởi trên thực tế, mặc dù trên các báo đài, các trang thông tin đại chúng có rất nhiều thông tin về vai trò của vitamin và khoáng chất nhưng nhiều người lại bỏ qua. Tuy nhiên, thông qua cuộc thi này, các ứng viên đã tự tích lũy cho mình những kiến thức về dinh dưỡng, chủ động bổ sung một cách phù hợp. Điều này rất đáng hoan nghênh.

Điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, mặc dù chiếm một tỉ lệ thấp, nhưng khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và khoáng chất.

Vitamin bao gồm các loại như: A, B, C, D, E, U… và được phân chia thành hai nhóm chính: tan trong nước ( B, C…) và tan trong mỡ ( A, D, E...). Các loại chất khoáng có thể kể đến như sắt, kẽm, đồng, vàng, canxi, magie, natri, kali, chlor, phosphat, sulphat… chiếm khoảng 4% trọng lượng cơ thể.

Với người nặng khoảng 50kg thì chất khoáng chiếm khoảng 2kg. Vì vậy, mỗi ngày, cần bổ sung một lượng khoáng chất tối thiểu để đảm bảo cho các hoạt động của cơ thể.

Đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày là giải pháp tự nhiên nhất nhằm cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho nhu cầu của cơ thể.

Có nên loại bỏ hoàn toàn chất béo khỏi chế độ ăn hằng ngày?

PGS Nguyễn Thị Lâm cũng cảnh báo, có một số trường hợp ứng viên vì muốn giảm cân nhanh mà cắt bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn. Điều này là hoàn toàn không nên.

Nữ giám khảo giải thích, chất béo là thành phần không thể thiếu cấu tạo nên màng tế bào, nhất là các tế bào thần kinh và nhiều hormone quan trọng, là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K cần thiết cho cơ thể.

Ngoài ra, chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể gấp đôi protein và chất đường bột. Mỗi gram tạo ra 9 kcal, trong khi 1gr đạm và 1gr đường bột chỉ cho 4 kcal.

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh.

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh.

Cơ thể khi thiếu chất béo khiến các vitamin vừa kể trên khó được hấp thụ, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, nhất là hệ thần kinh. Người lớn dễ bị đau nhức xương, thậm chí loãng xương, nhìn kém, giảm sức đề kháng. Trẻ nhỏ chậm tăng trưởng, thiếu dinh dưỡng, kém tập trung...

Trong bữa ăn của người trưởng thành cần 20-25% năng lượng từ chất béo. Trẻ càng nhỏ càng cần nhiều hơn, thậm chí lên tới 40-60% nếu dưới 6 tháng. Lưu ý, với trẻ nhỏ, tỷ lệ chất béo động vật không nên vượt quá 70% tổng số chất béo khẩu phần ăn.

Do đó, thay vì loại bỏ hoàn toàn chất béo “một cách máy móc”, cần trang bị kiến thức để chủ động thay thế nguồn chất béo có hại thành chất béo có lợi thông qua thực phẩm.

Có thể tìm thấy chất béo tốt ở quả bơ; ô liu; các loại dầu thực vật (gạo lứt, đậu nành, hướng dương...); ở các loại cá biển sâu như cá thu, cá trích, cá mòi, …..chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi cho tim mạch, protein chất lượng cao, nhiều loại vitamin và khoáng chất. Đồng thời, hạn chế sử dụng các chất béo có hại từ mỡ động vật, nội tạng động vật, nói không với đồ ăn chế biến sẵn.

PGS Nguyễn Thị Lâm bày tỏ: Tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi TÔI KHỎE ĐẸP HƠN lần 2, bà cảm thấy rất vui mặc dù cũng có phần áp lực của những người "cầm cân nảy mực", phải làm việc với sự tận tâm và công minh nhất. Bà hy vọng, cuộc thi TÔI KHỎE ĐẸP HƠN lần 2 sẽ tiếp tục lan tỏa thông điệp thực hành dinh dưỡng lành mạnh, vận động hợp lý, từ đó hình thành thói quen, lối sống lành mạnh trong việc tự chăm sóc, rèn luyện sức khỏe tới mọi người dân Việt Nam.

Ban tổ chức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giam-khao-toi-khoe-dep-hon-bat-ngo-kho-lua-chon-vi-qua-nhieu-ung-vien-xuat-sac-169231109082002195.htm