Giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, sẽ giảm nguy cơ lây lan HIV

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là 'chìa khóa' quan trọng để Việt Nam giảm tỷ lệ ca mắc mới, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Từ hiểu, đến đồng cảm và chia sẻ là một hành trình nỗ lực dài hơi, cam go của nhiều tổ chức thế giới, các quỹ tài trợ thế giới, Bộ Y tế và cộng đồng những người nhiễm HIV để người nhiễm HIV, không tự kỳ thị với chính mình mà tự 'giết chết' mình trong bi quan và hàng rào kỳ thị.

“EM KHÔNG CÒN THẤY MỘT MÌNH NỮA”

“Lần đó em tưởng mình đi rồi anh ơi, hàng xóm xung quanh người ta không có dám qua nhìn mặt em. Ngay cả chính mẹ, dì ba và gia đình dì ba của em, hàng xóm cũng không muốn tiếp xúc nhiều, người ta sợ và rất rất sợ anh ạ… Cái nắm tay của chị ấy (cán bộ CBO - phóng viên) dành cho em ngay lúc đó nó mang lại một năng lượng sống vô cùng tận… Sự cảm thông và chia sẻ là thứ tài sản vô giá, rất hữu dụng cho những trái tim đang trong quá trình hồi phục… Em không còn thấy một mình nữa”.

Đây là một trong số hàng nghìn câu chuyện mà Nguyễn Thanh Phong chia sẻ mỗi ngày trên page riêng của mình, lan tỏa đi một cảm hứng tích cực rằng Phong luôn ở đó, luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và sẵn lòng giúp đỡ.

“Chuyện của Phong” – fanpage của Nguyễn Thanh Phong có lượng follow rất lớn, không chỉ trong cộng đồng người nhiễm HIV, nhóm MSM hay bất kỳ một người nào trong nhóm LGBT. Ở đó, có những hoa hậu, những nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chung tay giúp đỡ từng mảnh đời khi Phong kêu gọi.

Từ rất lâu rồi, Phong không còn sợ kỳ thị vì nhiễm HIV. Anh không mặc cảm khi bị gọi là “Phong HIV”. Anh năng nổ trên mạng xã hội, anh lăn lộn ở các bệnh viện, đi dọc đất nước để truyền cảm hứng, trao những món quà yêu thương, để kéo những người nhiễm HIV trở lại với đời, có thêm niềm tin sống. Bởi với cảm hứng tích cực mà Phong trao truyền mỗi ngày, thì HIV chỉ là một loại bệnh dễ chữa và khó lây, làm gì “còn chỗ cho sự kỳ thị”.

Gặp Phong ở Thái Lan, trong một cuộc hội thảo về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, Phong bảo từ lâu rồi anh từ chối phỏng vấn truyền thông. Phong chọn cách truyền cảm hứng của riêng mình, bằng việc có một fanpage riêng, xây dựng chương trình "Góp một bàn tay", làm diễn giả truyền cảm hứng tại chương trình “Vì bạn xứng đáng”.

Anh Nguyễn Thanh Phong cùng các nhà tài trợ và các bạn nhóm Góp một bàn tay cùng nhau mang Tết về cho Mai Hòa - trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc người sống với HIV và trẻ ảnh hưởng bởi HIV tháng 1/2024.

Anh Nguyễn Thanh Phong cùng các nhà tài trợ và các bạn nhóm Góp một bàn tay cùng nhau mang Tết về cho Mai Hòa - trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc người sống với HIV và trẻ ảnh hưởng bởi HIV tháng 1/2024.

Phong bảo, trong những nỗ lực của mình, anh muốn góp phần tháo dỡ "hàng rào" kỳ thị để cuộc sống đẹp hơn, nhân ái hơn, dẫu rằng mỗi người mang một thân phận khác nhau.

Trong những chuyến đi về miền tây, gặp gỡ nhiều bạn đồng đẳng viên (CBO – cánh tay nối dài của cán bộ y tế trong việc tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao), chúng tôi không bất ngờ khi hầu hết các bạn đều nhiễm HIV, hoặc uống PrEP dự phòng. Họ đã trải qua những ngày tháng tưởng chừng “sống không bằng chết”, đã vực dậy từ những ngày tháng đau khổ, chấn thương tâm lý, suy kiệt cơ thể.

Nhưng như một phép màu kỳ diệu, họ đã sống một cuộc đời mới, sống tận hiến bằng chính công sức của mình cho cộng đồng nhỏ hẹp dù chút bồi dưỡng chẳng bõ bèn gì. Nhiều doanh nghiệp tư nhân như S66 ở An Giang, Sunshine ở Kiên Giang… ra đời như cái phao cứu sinh cho biết bao mảnh đời bất hạnh.

Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS được xác định là rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, từ đó ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu 95-95-95 và mục tiêu của Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, trong giai đoạn vừa qua, hàng loạt các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đã được tổ chức Hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử hiện đang được triển khai tại cơ sở y tế, trường học và nơi làm việc.

Việt Nam nổi lên là một trong những điểm sáng hàng đầu trong khu vực về đáp ứng hiệu quả với HIV. Thành công này là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Sự chung tay nỗ lực này đã giúp giảm mạnh tổng số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam

Trong những năm qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đối tác như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam; Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế (HAIVN) tại Việt Nam triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng liên quan đến giảm kỳ thị và phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế cho một số tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên; Hải Phòng; Long An; Bình Dương; Bà Rịa Vũng Tàu; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Theo đánh giá nhiều vòng của tổ chức HAIVN phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam thì các chỉ số về giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế đã được cải thiện rõ rệt.

Tại Bình Dương sau 9 tháng can thiệp, sự lo lắng nhiễm HIV khi tiếp xúc với quần áo, ga trải giường của người nhiễm HIV đã giảm từ 52% xuống 14%; sự lo lắng nhiễm HIV khi băng bó cho bệnh nhân giảm từ 79% xuống còn 33%; lo lắng nhiễm HIV khi lấy máu cho bệnh nhân giảm từ 77% xuống còn 32%; sử dụng 2 lớp găng tay khi chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV giảm từ 55% xuống chỉ còn 13%.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam chia sẻ với phóng viên về nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam tại hội thảo khu vực Đông Nam Á về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV "Tiến bộ, thách thức và cơ hội trong môi trường tư pháp".

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam chia sẻ với phóng viên về nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam tại hội thảo khu vực Đông Nam Á về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV "Tiến bộ, thách thức và cơ hội trong môi trường tư pháp".

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam cho hay, ở Việt Nam, mặc dù nhìn chung số ca nhiễm HIV mới đã giảm đáng kể, nhưng lại có xu hướng đáng lo ngại là tỷ lệ nhiễm HIV gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) kể từ năm 2010. 1/3 các ca nhiễm mới này xảy ra trong những người MSM trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24.

Các tổ chức cộng đồng ở Việt Nam đã rất tích cực triển khai các mô hình can thiệp cụ thể nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.

Ông Quinten Lataire dẫn chứng, Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam (VNP+) đã có những nghiên cứu về chỉ số kỳ thị liên quan đến HIV tại Việt Nam. Việt Nam đã huy động những người có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng và các phương tiện thông tin đại chúng để giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, trong đó, doanh nghiệp xã hội Bầu trời xanh của cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh đang làm rất tốt. Họ đã tận dụng nguồn lực hỗ trợ và sức ảnh hưởng của những nhà báo và nghệ sĩ có uy tín để nâng cao nhận thức của công chúng về HIV và kêu gọi giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Tại Bình Dương sau 9 tháng can thiệp, sự lo lắng nhiễm HIV khi tiếp xúc với quần áo, ga trải giường của người nhiễm HIV đã giảm từ 52% xuống 14%; sự lo lắng nhiễm HIV khi băng bó cho bệnh nhân giảm từ 79% xuống còn 33%; lo lắng nhiễm HIV khi lấy máu cho bệnh nhân giảm từ 77% xuống còn 32%; sử dụng 2 lớp găng tay khi chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV giảm từ 55% xuống chỉ còn 13%.

GIẢM NGUY CƠ LÂY NHIỄM BẰNG MỞ RỘNG CÁC DỊCH VỤ TƯ VẤN XÉT NGHIỆM HIV

Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Tính đến 30/9/2023, đã có 219 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Cả nước hiện có 534 cơ sở điều trị HIV, trong đó 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV BHYT. Tính đến 14/9/2023, cả nước có 177.009 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó 2.748 bệnh nhân trẻ em, 174.261 bệnh nhân người lớn.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam đánh giá cao công tác ứng phó với HIV. “Việt Nam nổi lên là một trong những điểm sáng hàng đầu trong khu vực về đáp ứng hiệu quả với HIV. Thành công này là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Sự chung tay nỗ lực này đã giúp giảm mạnh tổng số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam”, ông Quinten Lataire bày tỏ.

Tư vấn chương trình điều trị dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao.

Tư vấn chương trình điều trị dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao.

Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6.5% tháng 5 năm 2024; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 74,2% vào tháng 5 năm 2024.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.

Ông Quinten Lataire đánh giá, để đối phó với dịch HIV gia tăng trong nhóm người tiêm chích ma túy cách đây hơn hai thập kỷ, Việt Nam đã triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả dựa trên bằng chứng như chương trình bơm kim tiêm sạch và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, và cách tiếp cận đó đã được chứng minh là có hiệu quả cao. Cách tiếp cận lấy sức khỏe làm trung tâm này đã giúp giảm đáng kể số ca nhiễm HIV mới ở những người tiêm chích ma túy và cộng đồng của họ.

Xét nghiệm tải lượng virus HIV.

Xét nghiệm tải lượng virus HIV.

Tuy nhiên, xu hướng của dịch HIV đang thay đổi, với sự gia tăng đáng lo ngại về số ca nhiễm HIV mới trong nhóm MSM trẻ tuổi. Ông Quinten Lataire cho hay, điều này cũng đòi hỏi chương trình can thiệp phải điều chỉnh theo.

"Những người MSM trẻ cần được tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp phòng ngừa như PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm). PrEP là một biện pháp dự phòng hiệu quả về mặt chi phí để giảm lây nhiễm HIV trong nhóm MSM và là một công cụ quan trọng để khống chế dịch HIV trong cả nước", ông Quinten Lataire nói.

Hơn 800 nhóm, câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS và các nhóm đồng đẳng tại các địa phương không chỉ tham gia nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà còn góp phần làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Cục Phòng chống HIV/AIDS đã nỗ lực phối hợp với các dự án, tổ chức quốc tế, các nhóm dựa vào cộng đồng mở rộng tối đa các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV tại hơn 1.300 cơ sở y tế, còn cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV thông qua các nhóm dựa vào cộng đồng và thông qua trang web trực tuyến: tuxetnghiem.vn cho 29 tỉnh/thành phố trọng điểm, xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Đánh giá cao về vai trò của y tế tư nhân, sự hợp tác của các đồng đẳng viên (CBO), ông Quinten Lataire cho biết, các tổ chức của cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân có vai trò rất quan trọng. Các tổ chức cộng đồng (CBO) và các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân có thể giúp bổ sung, hỗ trợ để lấp vào các khoảng trống trong việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng trong sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV. Các phòng khám y tế tư nhân và CBO có thể có giờ cung cấp dịch vụ linh hoạt kể cả ngoài giờ làm việc tiêu chuẩn hoặc họ có thể cung cấp hỗ trợ, tư vấn đồng đẳng trực tuyến. Nhờ đó, họ giúp bảo đảm rằng chúng ta không bỏ ai lại phía sau trong đáp ứng với HIV.

Các khối tư nhân, doanh nghiệp xã hội, cộng đồng, nhóm hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế (CAB), các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, mạng lưới người dễ bị lây nhiễm HIV tại cộng đồng dân cư cùng tham gia mạnh mẽ vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Hơn 800 nhóm, câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS và các nhóm đồng đẳng tại các địa phương không chỉ tham gia nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà còn góp phần làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Nhiều năm qua, Cục đã phối hợp với Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam (VNP+) và các đối tác thực hiện nghiên cứu về chỉ số kỳ thị vòng 1, 2, 3 để làm cơ sở cho việc xây dựng các can thiệp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử cho phù hợp với tình hình thực tế.

So với năm 2014, tỷ lệ người bệnh né tránh tìm đến dịch vụ y tế vì tình trạng HIV của bản thân giảm ở tất cả các tỉnh, thành phố từ 12%-47% trong năm 2014 xuống còn 0%-13,2% trong năm 2020. Trong năm 2020, chỉ có 13,1% MSM không tìm đến các dịch vụ y tế vì tình trạng HIV của bản thân, so với năm 2014 là 31,8%.

HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU 90% NGƯỜI NHIỄM HIV CÓ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG BẢO ĐẢM

Từ nhiều năm qua, các nguồn tài trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã giảm mạnh. Việc cấp phát thuốc điều trị ARV, điều trị dự phòng PrEP đều thông qua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để có những biện pháp can thiệp hiệu quả, thì nguồn tài chính bền vững rất quan trọng cho sự thành công lâu dài của các chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Chia sẻ về vai trò của UNAIDS trong việc tăng cường đầu tư cho các nỗ lực đáp ứng với HIV trong khu vực và ở Việt Nam, ông Quinten Lataire cho hay, các quốc gia đang ở các giai đoạn khác nhau trong việc đáp ứng với HIV. Việt Nam đã cho khu vực và thế giới thấy những tiến bộ và thành tựu đáng kể trong phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh suy giảm nguồn lực cho phòng, chống HIV toàn cầu, nhu cầu về đầu tư bằng nguồn lực trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là cho các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV.

Các nguồn tài chính này cần được bảo đảm ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương, theo cách phù hợp với việc phân cấp đã và đang diễn ra trong hệ thống y tế của Việt Nam. Bảo đảm đủ kinh phí ở cấp địa phương cho các hoạt động phòng, chống HIV là vô cùng cần thiết để bảo đảm bao phủ được toàn diện tất cả các can thiệp dự phòng và điều trị HIV trên phạm vi toàn quốc.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam nhấn mạnh, môi trường chính sách và pháp lý càng thuận lợi thì hoạt động can thiệp phòng chống HIV sẽ càng hiệu quả hơn.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam nhấn mạnh, môi trường chính sách và pháp lý càng thuận lợi thì hoạt động can thiệp phòng chống HIV sẽ càng hiệu quả hơn.

Ngoài mục tiêu 95-95-95 theo Chiến lược quốc gia hướng đến kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, hiện nay theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam còn hướng đến mục tiêu thứ 4 là 90% người nhiễm HIV có chất lượng cuộc sống bảo đảm trong đó có việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, trong giai đoạn 2025-2030, Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) tiếp tục tập trung vào các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế trong đó bao gồm việc tăng cường nhận thức, kiến thức, kỹ năng và thực hành cho cán bộ y tế trong cơ sở y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ ở các cơ sở cung cấp dịch vụ HIV/AIDS cũng như một phần các hoạt động giảm tự kỳ thị ở nhóm đối tượng đích của chương trình phòng, chống HIV/AIDS".

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, bài học rút ra trong quá trình triển khai là cần có một cơ chế kết nối chặt chẽ và hiệu quả giữa khách hàng với cơ sở y tế để tìm hiểu rõ thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế, hướng tới loại bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế lấy cộng đồng đích làm trung tâm.

Việt Nam hiện đang tham gia Sáng kiến giảm kỳ thị trong khu vực Đông Nam Á cùng với các nước Lào, Campuchia và Thái Lan từ năm 2017, với mục đích thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan tới HIV ở cấp độ quốc gia và cơ sở y tế thông qua việc đo lường thường quy, áp dụng phương pháp; cải thiện chất lượng trong giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đồng thời; tăng cường việc học hỏi cũng như chia sẻ lẫn nhau giữa các cơ sở y tế.

Để giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này. Ví dụ, nếu một nhân viên y tế đeo hai đôi găng tay khi điều trị cho người có HIV thì đó là phản ứng phi lý xuất phát từ sự sợ hãi hoặc thiếu hiểu biết. Để giải quyết điều này, các nỗ lực nên tập trung vào việc xua tan những nỗi sợ hãi và tăng cường kiến thức và sự hiểu biết. Các chương trình giảm kỳ thị hiệu quả khi trực tiếp giải quyết những nguyên nhân cơ bản gây ra kỳ thị.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam

Trong thời gian tới, Dự án cũng sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua các chỉ số về cung cấp dịch vụ HIV/AIDS bao gồm PrEP, giảm kỳ thị phân biệt đối xử và đánh giá sự hài lòng của khách hàng tại các cơ sở cung cấp dịch vụ HIV/AIDS.

Những thành quả phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam được thế giới ghi nhận. Trong số 250 nghìn người nhiễm HIV tại Việt Nam, có 88% người biết tình trạng nhiễm HIV; 80% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV; 98,4% người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Chúng ta đang gần tiệm cận tới mục tiêu 95-95-95 nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước, cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng.

Theo ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam, khi môi trường pháp lý và chính sách mang tính hỗ trợ đối với các nhóm đích, thì kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ giảm đi, dẫn đến ít rào cản hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng chống HIV. Theo đó, số ca nhiễm HIV mới sẽ giảm dần, dẫn đến đáp ứng với HIV được hiệu quả hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giam-ky-thi-phan-biet-doi-xu-se-giam-nguy-co-lay-lan-hiv-post815704.html