Giảm lĩnh vực, linh hoạt quy mô đầu tư dự án PPP

Thu hẹp từ 6 xuống 5 lĩnh vực đầu tư PPP, quy mô đầu tư tối thiểu có thể giao Chính phủ quy định chi tiết, đó là một số thay đổi đáng chú ý tại dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đang được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thu hẹp từ 6 xuống 5 lĩnh vực đầu tư PPP, quy mô đầu tư tối thiểu có thể giao Chính phủ quy định chi tiết, đó là một số thay đổi đáng chú ý tại dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đang được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Bớt lĩnh vực trụ sở cơ quan nhà nước

Sau khi đã thu hẹp so với dự thảo trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP tại dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên họp tháng 3/2020 bao gồm 6 lĩnh vực: giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước; y tế; giáo dục - đào tạo.

Dự thảo mới hoàn thiện đầu tháng 4/2020 tiếp tục thu hẹp, theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Với quan điểm này, trụ sở cơ quan nhà nước đã được bỏ ra khỏi các lĩnh vực đầu tư PPP, giữ nguyên 5 lĩnh vực còn lại.

Hai phương án quy mô tối thiểu

Liên quan đến quy mô tối thiểu của dự án PPP, dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp tháng 3/2020 vẫn giữ quy định không thấp hơn 200 tỷ đồng như ban đầu.

Tuy nhiên nhiều ý kiến tại đây đề nghị không chốt cứng ở một mức. Một số ý kiến nhất trí với việc giao Chính phủ quy định hạn mức quy mô đầu tư tối thiểu của dự án PPP phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và tùy từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên cần làm rõ mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 200 tỷ đồng hay không thấp hơn 100 tỷ đồng để phù hợp với nhiều địa phương, các lĩnh vực đầu tư khác nhau.

Do còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề xuất 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Phương án 1: giữ như quy định tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 5, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý.

Quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước.

Phương án 2: Giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục- đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế -xã hội ở những nơi khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.

Bỏ quy định kiểm toán trước khi ký hợp đồng

Một chỉnh lý đáng chú ý nữa là quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP.

Theo đó, với kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP, tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, dự thảo luật đã lược bỏ quy định về thời điểm yêu cầu đối với nội dung kiểm toán này (dự thảo tháng 3/2020 quy định phải thực hiện trước khi ký hợp đồng).

Dự thảo mới nhất cũng quy định trong dự án PPP còn ba nội dung gồm: kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại điều 73 của luật này, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 điều 71 của luật này, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 điều 45 của luật này.

Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP.

Khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-linh-vuc-linh-hoat-quy-mo-dau-tu-du-an-ppp-d119691.html