Giảm lo âu hậu Covid
Trong lúc đăng ký khám bệnh tình cờ tôi thấy ô bên cạnh một phụ nữ đứng tuổi thều thào khi nhân viên y tế hỏi chị đi khám gì: “Tôi bị Covid vừa khỏi, giờ thấy khó thở, tức ngực nên đi khám”. Lập tức nhân viên y tế hướng dẫn chị sang phòng khám hậu Covid. Thành lập chưa lâu nhưng phòng khám này đã khám, tư vấn, điều trị cho mấy trăm bệnh nhân.
Điều đó cho thấy hậu Covid là vấn đề rất đáng quan tâm, đã được các chuyên gia đề cập từ khá sớm, khi mà đợt dịch hồi năm ngoái vừa bị đẩy lùi đã có rất đông bệnh nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh đến các cơ sở y tế khám và điều trị một số triệu chứng sau khi khỏi Covid. Những biểu hiện thường gặp là mệt mỏi, hụt hơi, tức ngực, khó thở, ho…
Theo các bác sĩ những người bị Covid-19 cũng như trải qua một lần ốm, mệt mỏi là khó tránh và cần phải có thời gian phục hồi chứ không thể ngày một ngày hai là bình phục ngay. Lo lắng cho sức khỏe là tốt nhưng cũng cần tìm hiểu để biết xem xét có cần điều trị hay không và điều trị như thế nào?
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng các triệu chứng hậu Covid thường kéo dài từ hai tháng trở lên và nếu triệu chứng biến mất sau khoảng 1 tháng thì không gọi đó là hậu Covid. Bệnh nhân chỉ nên đi khám sau 3 tháng nhiễm bệnh.
Trên thực tế thì không ai có triệu chứng giống ai. Có những người âm tính trở lại chỉ sau 5-7 ngày và không cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại có những người có những người thời gian mắc lâu hơn và những triệu chứng như đã nói ở trên, thậm chí kèm đau bụng nên rất lo lắng.
Chị hàng xóm nhà tôi sau khi mắc cũng có biểu hiện của hậu Covid. Lo lắng cho sức khỏe vì bản thân có bệnh nền, chị quyết định đến bệnh viện kiểm tra tổng thể sức khỏe. Kết quả xét nghiệm, chiếu chụp đều khẳng định tình trạng sức khỏe bình thường khiến chị như trút được gánh nặng.
Khi số ca mắc tăng cao trong thời gian qua, số bệnh nhân tự cách ly, điều trị ở nhà là chủ yếu thì không phải ai cũng tuân thủ phác đồ điều trị như hướng dẫn của ngành Y tế. Không ít người tự tìm hiểu và điều trị cho mình qua mách nước của người này, người kia hoặc hỏi “bác sĩ Google”.
Và với hậu Covid cũng tương tự như thế. Nhiều người cũng tự mua thuốc điều trị chưa được kiểm nghiệm theo những phác đồ không chính thống trên mạng hay qua rỉ tai nhau tốn tiền nhưng không mấy tác dụng. Các bác sĩ khuyên rằng người khỏi Covid chỉ cần áp dụng chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, luyện tập phù hợp là có thể hồi phục sức khỏe. Không cần thiết phải áp dụng liệu trình này, liệu trình kia như quảng cáo vừa tốn kém vừa tạo cơ hội cho một số kẻ lợi dụng “đục nước thả câu”.
Đó mới là vấn đề về thể chất. Hậu Covid còn phải nói về tác hại về mặt tinh thần mà dịch bệnh gây ra đối với con người. Đại dịch Covid-19 kéo dài gây tác hại vô cùng lớn, không chỉ về kinh tế-xã hội mà những tổn thương về tinh thần xã hội cũng rất khủng khiếp.
Khảo sát trong phạm vi hẹp ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hơn 20% bệnh nhân Covid có biểu hiện trầm cảm. Còn với nhiều người, những ngày tháng thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch hay phải rời bỏ thành phố để về quê để trốn dịch hoặc mất người thân vì dịch bệnh chưa dễ gì quên.
Với những nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch quả thực họ đã cố gắng làm bằng 3, bằng 4 sức lực của mình để khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Hơn ai hết họ thấu hiệu sự khốc liệt của đại dịch và chính họ cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh về mặt tinh thần. Khảo sát của một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm ngoái cho thấy những con số giật mình: 23,6% nhân viên biểu hiện trầm cảm; 42,9% có biểu hiện lo âu và biểu hiện stress là gần 18%.
Cho nên việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và nay là bình thường hóa với dịch bệnh để thực hiện đa mục tiêu… vô cùng có ý nghĩa. Chúng ta đang tiến dần đến việc coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu.
Nói như vậy không có nghĩa ta coi thường dịch bệnh mà vẫn chống dịch trong thế chủ động trên cơ sở đáp ứng của hệ thống y tế. Kinh tế phục hồi, xã hội ổn định như khi chưa có dịch là mục tiêu quan trọng trong lúc này.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/75478/giam-lo-au-hau-covid.html