Giảm lý thuyết, tăng thực hành trong đào tạo nghề

Trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động thì 'giảng ít, học nhiều', 'giảm lý thuyết - tăng thực hành' đang là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh. Đây được coi là một trong những khâu then chốt trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai hoạt động với 2 mảng chính là đào tạo nghề và dạy văn hóa THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên. Những năm qua, trung tâm đã thực hiện tốt công tác giáo dục kết hợp đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo bà Vũ Tuyết Nhung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai, để chương trình đào tạo nghề vừa sức học của học viên, trung tâm tập trung vào phần thực hành và luyện tay nghề. Thực hành chiếm 85 - 90% chương trình học, giúp học viên tiếp xúc với nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại mà các doanh nghiệp đang sử dụng, vận hành, qua đó vừa phát huy được năng lực, sự chủ động và hứng thú với môn học, vừa tích lũy được kinh nghiệm làm việc thực tế qua từng giờ học.

Từ năm 2015 đến nay, trong tổng số 1.827 học viên tốt nghiệp có 1.006 học viên được trung tâm giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp (đạt 55,1%) với mức lương hằng tháng khoảng 6 - 11 triệu đồng. Số còn lại tự tạo việc làm, nhiều học viên tự thành lập các tổ, nhóm 5 - 7 người thực hiện kinh doanh, dịch vụ như tổ hợp xây dựng, cơ khí (nhận công trình cùng làm); tổ hợp nấu ăn (nhận đặt tiệc tại gia đình); nhóm chăm sóc sắc đẹp; câu lạc bộ khởi nghiệp cho học sinh làm đẹp ngay tại trung tâm... với thu nhập hằng tháng 4 - 15 triệu đồng.

Tại Khoa Công nghệ ô tô và Cơ khí (Trường Cao đẳng Lào Cai), trước đây học sinh chỉ được học trên mô hình tháo rời, còn nay việc giảng dạy bằng mô hình ô tô nguyên chiếc đã được áp dụng.

Mới đầu, em gặp khó khăn về giáo trình học và phải học bổ sung tiếng Anh. Tuy nhiên, sau đó được giảng viên hướng dẫn và được học, thực hành ngay trên các xe ô tô đời mới tại xưởng thực hành của khoa giúp em tiếp cận sản phẩm thực tế ngay trong quá trình học.

Lý Tiến Thành, lớp cao đẳng Công nghệ ô tô K22.

“Với các phần mềm mô phỏng đã và đang được đưa vào giảng dạy, học sinh có thể dễ dàng hình dung và tiếp cận các bộ phận, cơ cấu, hệ thống ở trong xe làm việc như thế nào. Phương pháp giảng dạy mới này góp phần giúp học sinh, sinh viên dễ tiếp thu kiến thức hơn so với phương pháp giảng dạy truyền thống trên lớp học", ông Phạm Đức Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết.

Với thiết kế chương trình đào tạo 30% thời gian học lý thuyết và 70% thời gian thực hành, Trường Cao đẳng Lào Cai đã đầu tư cơ sở vật chất, trang - thiết bị, mô hình học cụ gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy. Giai đoạn 2019 - 2023, nhà trường được đầu tư hơn 125 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị giảng dạy trị giá gần 209 tỷ đồng. Năm học 2023 - 2024, nhà trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển 7 ngành nghề trọng điểm đạt chất lượng ASEAN; ký kết hợp tác với 72 doanh nghiệp, đưa hơn 2.500 lượt học sinh, sinh viên đi thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên được các đơn vị hỗ trợ trả lương trong thời gian thực tập, hợp đồng tuyển dụng ngay.

Tỉnh Lào Cai hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố với gần 650 cán bộ, giáo viên, giảng viên. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao, quy mô đào tạo được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lao động của tỉnh. Thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng hiện đại, linh hoạt với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát. Chuyển từ học lý thuyết trên lớp sang các hình thức học thực hành đa dạng, linh hoạt; nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động và theo nhu cầu của doanh nghiệp.

 Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát.

Nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 26 ngày 7/2/2022 về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 45% học sinh sau THCS và THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; khoảng 10 ngành, nghề trọng điểm. Phấn đấu đến năm 2045 đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới

Để thực hiện mục tiêu, tỉnh Lào Cai chỉ đạo tăng cường hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động. Mặt khác, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn... tạo sức hút tuyển sinh, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giam-ly-thuyet-tang-thuc-hanh-trong-dao-tao-nghe-post384407.html