Giảm nghèo bền vững: Ưu tiên 'vùng lõi'

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực, giúp đồng bào vươn lên.

Đổi mới cách tiếp cận

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có mục tiêu tổng quát nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Chương trình hướng tới hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho giáo dục góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững

Đầu tư cho giáo dục góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững

Mặt khác, chương trình ghi nhận nhiều điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016 - 2020 trước đây, đó là: Thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Chương trình triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Thêm vào đó, phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi, sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với họ như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định. Bổ sung một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành mới như phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhà ở, cải thiện dinh dưỡng, truyền thông nhân rộng sáng kiến giảm nghèo và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng nghèo.

Tập trung “lõi nghèo”

Để tập trung giải quyết vấn đề “lõi nghèo”, chương trình trong giai đoạn này thiết kế dành 3/7 dự án đầu tư, tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng cho vùng “lõi nghèo”, gồm: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa như hạ tầng giao thông, điện, dịch vụ viễn thông; phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các dự án còn lại thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên hỗ trợ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

 Tỉnh Lào Cai nỗ lực cứng hóa các tuyến đường giao thông

Tỉnh Lào Cai nỗ lực cứng hóa các tuyến đường giao thông

Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong đó, triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo vùng lõi nghèo nhằm phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với thị trường, với doanh nghiệp tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm đầu ra; ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Tập trung hỗ trợ người nghèo sinh sống trên địa bàn nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Qua thực tế tại Lào Cai cho thấy, sau một năm tập trung nguồn lực đầu tư cho 10 xã khó khăn nhất của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các xã giảm mạnh, bộ mặt nông thôn vùng "lõi nghèo" khởi sắc.

Cụ thể, năm 2022, tỉnh giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho 663 lao động của 10 xã, tăng 300% so với năm 2021. Tỷ lệ giảm nghèo tại 10 xã nghèo nhất ở địa phương đạt 11,15%, giảm 676 hộ, vượt mức kế hoạch năm đề ra với 10,22%; trong đó, xã Pa Cheo (huyện Bát Xát) có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhất trong 10 xã, đạt 14,45% (từ 79,39% xuống 64,81), tương đương giảm 167 hộ nghèo/năm. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 19,2 triệu đồng/người, tăng 5,2 triệu đồng/người so với năm 2020.

Được biết tháng 5/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 239/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Mười xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tại Lào Cai (trên 40% hộ nghèo thời điểm năm 2019) gồm: Hoàng Thu Phố, Lùng Cái (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chảy (huyện Văn Bàn), La Pan Tần, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương). Các xã này có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 98%, chủ yếu là đồng bào Mông. Trong khi đó, công tác quy hoạch sản xuất còn hạn chế; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đúng và trúng nên sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là "chìa khóa" đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo và gieo khát vọng thoát nghèo tại 10 xã trên, ngành nông nghiệp Lào Cai phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính, đồng thời đề xuất 24 danh mục dự án hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí 54 tỷ đồng để triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, các dự án trồng măng sặt, chăn nuôi bò, ngựa sinh sản, liên kết trồng gừng, trâu xuất khẩu ở xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn; dự án trồng chè Shan, chăn nuôi lợn đen sinh sản tại các xã Lùng Khấu Nhin, Tả Thàng, Dìn Chin, La Pán Tẩn, huyện Mường Khương… đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo.

Hay tại huyện Sơn Động (Bắc Giang) - 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước, có hơn 50% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Những năm qua, các hợp tác xã trên địa bàn huyện đóng vai trò tiên phong trong liên kết các hộ nông dân, góp phần hình thành vùng sản xuất an toàn, đạt chuẩn. Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng khác mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xuất khẩu lao động.

Chương trình giảm nghèo quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-ngheo-ben-vung-uu-tien-vung-loi-249868.html