Giảm nghèo bền vững: Vẫn chuyện 'con cá, cần câu'

Lâu nay, khi nói về cách hỗ trợ người nghèo sao cho phù hợp, người ta thường dùng hình ảnh 'con cá và cần câu'. Từ các chương trình khác nhau đã có hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ cây, con giống để tạo sinh kế...

Gia đình bà Triệu Thị In, ở xóm Khuân Rây, xã Phủ Lý (Phú Lương), được hỗ trợ 1 con trâu để phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Triệu Thị In, ở xóm Khuân Rây, xã Phủ Lý (Phú Lương), được hỗ trợ 1 con trâu để phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.

Ông Trần Đức Định, ở tổ dân phố Đông Đoài, phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên), cho biết: Vợ chồng tôi có ít đất canh tác, lại thường xuyên đau ốm nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Được hỗ trợ từ dự án chăn nuôi bò sinh sản, tôi đã chuẩn bị chuồng trại và nguồn thức ăn cho vật nuôi. Trước khi nhận bò, chúng tôi cũng được phường đưa đi tham quan, lựa chọn con giống phù hợp với nhu cầu nên rất yên tâm. Tôi sẽ chăm sóc vật nuôi thật tốt để có thêm nguồn thu nhập, phấn đấu thoát nghèo.

Năm 2023, UBND TP. Phổ Yên đã phân bổ kinh phí trên 2,4 tỷ đồng để thực hiện 6 mô hình đa dạng hóa sinh kế, 1 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã, phường gồm: Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái, Tiên Phong.

Trước đó, trên cơ sở rà soát nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế, tập quán canh tác của hộ nghèo tại các xã, phường, thành phố đã thực hiện hỗ trợ trâu, bò sinh sản. Trong quá trình triển khai các mô hình, cơ quan chuyên môn thường xuyên đồng hành, hỗ trợ người dân về khoa học - kỹ thuật để việc chăn nuôi hiệu quả. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống dưới 2% (bình quân mỗi năm giảm từ 0,3% trở lên theo tiêu chí mới).

Việc triển khai thực hiện các mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp các hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong 3 năm gần đây giảm bình quân hơn 1%/năm. Riêng năm 2023, toàn tỉnh giảm 4.434 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ 1,33%; giảm 2.729 hộ cận nghèo, tương đương 0,82%...

Tương tự, tại Phú Lương, từ nguồn kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng, giai đoạn 2022-2023, huyện đã triển khai 5 mô hình sinh kế với 185 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ trâu, bò, dê sinh sản. Theo ông Lê Văn Trọng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện: Để giảm nghèo theo chiều sâu, Phòng đã tham mưu UBND huyện đầu tư thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và nhu cầu của người dân.

Trên cơ sở đó rà soát và chọn lọc những hộ có khả năng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ ông Lý Văn Thì, ở xóm Khuân Rây, xã Phủ Lý. Với lợi thế chuồng trại rộng, nguồn thức ăn sẵn có, tháng 11-2023, ngoài 1 con trâu sinh sản được hỗ trợ, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm 1 trâu nái. Khi được hỗ trợ tham gia dự án đa dạng hóa sinh kế, ông cam kết với chính quyền địa phương sẽ tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng để trâu phát triển tốt, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Việc triển khai có hiệu quả các mô hình đa dạng hóa sinh kế không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, mà còn góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác, giúp người dân trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Thông qua các mô hình này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ được hỗ trợ 400 con gà giống, gia đình ông Tạ Văn Hiếu, ở xóm Thông, xã Tân Khánh (Phú Bình), có động lực vươn lên thoát nghèo, mở rộng quy mô lên 1.500 con.

Nhờ được hỗ trợ 400 con gà giống, gia đình ông Tạ Văn Hiếu, ở xóm Thông, xã Tân Khánh (Phú Bình), có động lực vươn lên thoát nghèo, mở rộng quy mô lên 1.500 con.

Anh Tạ Văn Hiếu, chủ một hộ mới thoát nghèo ở xóm Thông, xã Tân Khánh (Phú Bình), cho hay: Đầu năm 2023, tôi được hỗ trợ 400 con gà ta. Sau hơn 4 tháng chăn nuôi, gà được xuất chuồng. Từ lợi thế vườn đồi rộng và nguồn thức ăn sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, tôi tiếp tục đầu tư chăn nuôi hơn 1.500 con gà. Dự kiến sau khi xuất bán sẽ mang lại nguồn lợi nhuận trên 50 triệu đồng.

Để việc triển khai các mô hình đa dạng sinh kế mang lại hiệu quả, công tác tuyên truyền đã được các địa phương đẩy mạnh. Trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế, các địa phương lập danh sách, tổ chức bình xét các đối tượng để giải ngân nguồn vốn.

Cơ quan chuyên môn cũng tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, đảm bảo mô hình phát huy hiệu quả. Trong đó tập trung hướng dẫn bà con lựa chọn cây con giống chất lượng, phù hợp và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để việc triển khai mô hình đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Các địa phương còn tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi giúp người dân đi lại, trao đổi hàng hóa thuận tiện, từ đó tăng giá trị sản phẩm.

Gia đình ông Lý Văn Huỳnh, xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa (Phú Bình), vừa được hỗ trợ 45 cây trám.

Gia đình ông Lý Văn Huỳnh, xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa (Phú Bình), vừa được hỗ trợ 45 cây trám.

Một điều không thể phủ nhận là công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tại một số ít địa phương trên địa bàn tỉnh, do việc triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo chưa sâu sát, cá biệt, có nơi con giống không đảm bảo dẫn đến hiệu quả của chương trình không cao.

Đơn cử như mới đây, tại xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), khi triển khai Dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã có 9/30 hộ dân “từ chối” nhận với lý do con giống không đảm bảo chất lượng.

Bà con cho rằng, với số tiền gần 20 triệu đồng được hỗ trợ từ Nhà nước, họ có thể nhận được con trâu, bò to hơn. Xử lý tình huống, xã Hợp Tiến - chủ đầu tư dự án đã chuyển vật nuôi cho các hộ nghèo khác trên địa bàn. Trước sự việc này, huyện Đồng Hỷ ngay sau đó đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra sai phạm.

Mặc đã được giải quyết, song sự việc trên là một bài học trong công tác quản lý chất lượng con giống cấp cho hộ nghèo; quy trình thực hiện rà soát các đối tượng được thụ hưởng theo các chương trình giảm nghèo tại xã Hợp Tiến và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Qua đó cũng có thêm những tranh luận về hiệu quả của việc triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị tích cực tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đến người dân. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 2 năm (2022-2023), Trung tâm được giao làm chủ đầu tư 2 tiểu dự án. Theo đó, đơn vị đã thực hiện cấp 55 con bò cái sinh sản tại huyện Định Hóa. Qua đánh giá, các con giống đều sinh trưởng khỏe mạnh theo đúng kế hoạch.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị tích cực tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đến người dân. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 2 năm (2022-2023), Trung tâm được giao làm chủ đầu tư 2 tiểu dự án. Theo đó, đơn vị đã thực hiện cấp 55 con bò cái sinh sản tại huyện Định Hóa. Qua đánh giá, các con giống đều sinh trưởng khỏe mạnh theo đúng kế hoạch.

Mục tiêu của các mô hình, dự án giảm nghèo đều rất tốt đẹp. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại một số nơi đôi khi chưa thực sự sâu sát; người dân không có kiến thức chăm sóc vật nuôi, cây trồng được hỗ trợ nên không đem lại hiệu quả; nhiều hộ nghèo khi hết hỗ trợ vẫn thuộc diện nghèo hoặc rất khó thoát nghèo (không tính đến hộ không thể thoát nghèo do ốm đau, bệnh tật), vô hình chung gây lãng phí nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước...

Thực tế cho thấy việc xóa đói giảm nghèo là hành trình khá gian nan, không đơn giản là cho cái này, hỗ trợ cái kia, mà phải là sự tổng hòa của nhiều yếu tố mới có thể giúp người nghèo từng bước cải thiện cuộc sống. Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, để có thể giảm nghèo bền vững vẫn nên trao quyền để chính người dân tự tìm ra cách giảm nghèo, cũng như để họ được tham gia quá trình lập kế hoạch, giám sát các chương trình xóa đói giảm nghèo…

Năm 2023, nguồn kinh phí thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế toàn tỉnh là trên 37 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 33 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 4,1 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp triển khai 2 dự án tại huyện Định Hóa và Đồng Hỷ; Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai 2 dự án liên kết theo chuỗi tại huyện Đồng Hỷ và Định Hóa; Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai 2 dự án tại huyện Định Hóa và Phú Lương. Riêng UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai 35 dự án, với sự tham gia của 696 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/giam-ngheo-ben-vungvan-chuyen-con-ca-can-cau-d4f144f/