Giảm nghèo nhờ phát triển mô hình HTX nông nghiệp

Dù cùng trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nhờ đa dạng các ngành nghề nên các HTX ở Nghệ An có thể hỗ trợ người dân phát triển sản xuất một cách linh hoạt, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy người dân thoát nghèo bền vững.

Việc trồng cam theo mô hình hữu cơ, VietGAP của HTX Nông nghiệp Tổng đội Thanh Đức (huyện Thanh Chương) không chỉ giúp phát triển giống cây đặc sản của địa phương theo hướng nông nghiệp sạch mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập.

Nâng cao thu nhập từ trồng cây hữu cơ

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, được đầu tư đúng quy trình từ các khâu như: Chọn cây giống, trồng, chăm sóc, bọc quả, thu hái nên cây vừa cho năng suất cao, vừa thân thiện với môi trường.

Mặc dù vốn đầu tư theo mô hình cam hữu cơ cao hơn gấp nhiều lần so với trồng cam truyền thống, nhưng cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, kéo dài tuổi thọ của cây, đặc biệt là không bị rụng quả, không sâu bệnh.

Đến nay, HTX Thanh Đức thu hút 15 hộ trồng cam, hộ trồng ít nhất cũng có 5 ha cam, hộ nhiều nhất lên đến hơn 10 ha. Với giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Chính vì vậy mà cây cam không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo ở địa phương, mà còn là cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên quê hương.

Hay tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Diễn Phong (huyện Diễn Châu), không chỉ sản xuất lúa, hiện HTX tổ chức cho người dân, thành viên trồng khoai tây vụ Đông.

Ông Võ Văn Hùng (xã Diễn Phong) chia sẻ, vụ trước, gia đình trồng 6 sào khoai tây, cho năng suất trên 5 tấn. Vừa thu hoạch xong đã có doanh nghiệp đến thu mua với giá cao. Với 5 tấn khoai tây, ông thu được hơn 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng.

Cam đang là một trong những cây giảm nghèo hiệu quả ở Nghệ An.

Cam đang là một trong những cây giảm nghèo hiệu quả ở Nghệ An.

"Khoai tây có thời gian trồng ngắn. Sau khi thu hoạch có đơn vị bao tiêu ngay tại chỗ, thu nhập ổn định nên chúng tôi rất vui mừng. Khoai tây có thời gian sinh trưởng khoảng 80 - 90 ngày, dự kiến vụ này gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích để thu nhập cao hơn”, ông Hùng nói.

Không chỉ HTX Diễn Phong mà nhiều HTX khác trên địa tỉnh Nghệ An đều đang thực hiện hiệu quả việc cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên. Ngoài ra, các HTX còn tiếp thu, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất..., tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.

Chính vì vậy mà các mô hình HTX vẫn luôn được coi là nơi “đỡ đầu”, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa an toàn và bền vững và hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Củng cố mô hình HTX

Theo thống kê hiện nay, các HTX hoạt động có hiệu quả tốt trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 435 HTX (chiếm 53%). Thông qua các HTX này, người dân có cơ hội áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, từ đó phát huy lợi thế kinh tế vùng miền, địa phương và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Ông Lang Văn Mão, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong), cho biết từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ có ít lồng cá, sau khi thành lập HTX, các hộ dân được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách lồng nuôi từ Nhà nước, đặc biệt là tìm mối đầu ra cho con cá.

Các hộ dân là thành viên HTX đã đầu tư thêm lồng nuôi, hộ ít nhất là 10 lồng, hộ nhiều nhất là 70 lồng và từ 20 thành viên nay phát triển lên 32 thành viên.

Từ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thủy điện Hủa Na, nhiều hộ dân đang chuyển sang nuôi cá hàng hóa (gồm cá leo, cá lăng đen, cá lăng đuôi đỏ, cá trắm, cá bọp, cá vược…), đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Đã có 4 thành viên HTX thoát nghèo từ nuôi cá lồng.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mô hình HTX đang góp phần không nhỏ giúp Nghệ An giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của còn 2,74%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09%. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2-3%.

Nhằm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2025, xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước, Nghệ An đang chú trọng phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh cũng hướng các HTX đầu tư theo chuỗi giá trị bền vững để nâng cao giá trị cây trồng vật nuôi và bảo đảm thu nhập cho thành viên, người lao động địa phương.

Nghệ An cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương, quan tâm nhiều hơn về phát triển kinh tế tập thể, HTX, làng nghề, bố trí các nguồn lực để hỗ trợ việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX.

Thị Đậu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/giam-ngheo-nho-phat-trien-mo-hinh-htx-nong-nghiep-1089860.html