Giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội:Cần quyết tâm chính trị của thành phố
Thủ đô Hà Nội đang đứng trước thách thức lớn trong công tác quản lý và bảo vệ chất lượng không khí.
Các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm bụi PM2.5 đang diễn ra trên diện rộng, vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 05:2023) gấp 1,5-2 lần trong nhiều ngày. Đặc biệt, mùa ô nhiễm năm nay (từ tháng 10-2024 đến tháng 3-2025), tình trạng ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng mạnh. Do vậy, để hạn chế ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.

Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội sử dụng xe phun tạo sương để hạn chế bụi mịn trong không khí.
Ô nhiễm không khí và những hệ lụy
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở ngưỡng tốt trong năm chỉ chiếm 15%; số ngày trung bình là 50%; số ngày kém, xấu, rất xấu, thậm chí nguy hại chiếm 35%. Riêng 4 tháng cao điểm mùa ô nhiễm năm nay (từ tháng 11-2024 đến tháng 3-2025), chỉ số AQI ở mức kém chiếm 48,91%; mức xấu, rất xấu lên tới 44,37%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Căn nguyên chính gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô là từ khí thải của phương tiện giao thông và bụi đường chiếm 56,1%; hoạt động sản xuất công nghiệp - làng nghề chiếm 22,2%; sản xuất nông nghiệp 13,2%; nguồn dân sinh 8,2% và đốt rác thải là 2,2%.
Ngoài những nguyên nhân trên, một số nhà khoa học cho biết, nhận thức về ô nhiễm không khí và quyết tâm chính trị của lãnh đạo một số địa phương chưa cao. “Tại hội thảo khoa học vừa được UBND thành phố Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, các chuyên gia môi trường hiến kế cho Hà Nội nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường nhưng lãnh đạo một số quận, huyện, thị xã chưa coi trọng, đến dự loáng thoáng rồi về”, một chuyên gia môi trường cho hay.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí đang gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Trong đó, những bệnh thường gặp do tiếp xúc lâu với bụi mịn PM2.5 trong không khí là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, tiểu đường tuýp 2… Mỗi năm thành phố Hà Nội có khoảng 5.800 người chết do các nguyên nhân bắt nguồn từ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trong không khí. Bên cạnh đó, chi phí y tế và phúc lợi xã hội để chữa trị các bệnh do bụi mịn gây ra chiếm 7,74% GRDP của thành phố.
Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Trọng Nhất cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều chính sách và đề án bảo vệ môi trường. Đến nay, Hà Nội đã xóa bỏ 99% số bếp than tổ ong, giảm 80% tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt hơn 99% tại khu vực đô thị và 95% tại vùng ngoại thành. Đối với giao thông, thành phố triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4,5; chuyển đổi một số tuyến xe buýt sang chạy điện; vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị; triển khai thí điểm vùng phát thải thấp các quận nội đô…
Chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, những giải pháp thành phố Hà Nội đã triển khai vẫn chưa đủ quyết liệt và triệt để nên ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề “nóng”. Chỉ khi nào thành phố Hà Nội kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, thì tình trạng ô nhiễm không khí mới được cải thiện.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng đề xuất, trong giai đoạn 2025-2030, thành phố Hà Nội và các địa phương cần tăng cường chuyển đổi số để chuyển đổi xanh. Đặc biệt, các địa phương cần đưa chỉ tiêu chất lượng không khí vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 5 năm tới để dành nguồn lực tài chính cho các chương trình trọng điểm về giảm thiểu ô nhiễm, như: Phát triển giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu sạch; ưu tiên xây dựng hạ tầng số như cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin các nguồn phát thải, sử dụng công cụ IOT trong việc quan trắc, giám sát ô nhiễm, tăng cường áp dụng AI, Big data trong quản lý môi trường không khí...
Trong lĩnh vực giao thông, thành phố Hà Nội cần thực hiện kiểm tra khí thải xe máy, ô tô cũ lưu thông trong khu vực nội thành. Trong năm 2025 triển khai thí điểm ngay vùng phát thải thấp tại các khu vực quy hoạch trung tâm thành phố, tiến tới mở rộng vùng phát thải ra cả ngoại thành. Đến năm 2030, chuyển đổi toàn bộ xe buýt chạy xăng, dầu sang xe điện và có lộ trình loại bỏ xe chạy động cơ đốt trong lưu thông ở nội đô vào năm 2035.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thành phố Hà Nội nên tận dụng lợi thế là nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành để mời các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực môi trường đồng hành hỗ trợ thành phố xây dựng các giải pháp xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, một số chuyên gia về môi trường còn đề xuất một số giải pháp cho thành phố Hà Nội, như: Tăng cường biện pháp cưỡng chế đối với cơ sở gây ô nhiễm, bổ sung hình phạt các cơ sở gây ô nhiễm lũy tiến theo ngày để tăng tính răn đe, thắt chặt hơn nữa các quy chuẩn phát thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô; tính toán lượng thải và xác định nguồn thải lớn để có biện pháp quản lý phù hợp; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm soát phát thải đối với các cơ sở sản xuất lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận…
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của toàn thành phố trong triển khai đồng bộ giải pháp, hy vọng chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ được cải thiện theo hướng bền vững để mang lại không gian sống trong lành cho người dân Thủ đô.