Bài toán nhân lực lĩnh vực công nghệ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, các chính sách thu hút và giữ chân người tài đã trở thành yếu tố quyết định của doanh nghiệp công nghệ. Đây cũng là giải pháp chiến lược để doanh nghiệp bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường và tiến tới phát triển bền vững trong nền kinh tế số.

Thu hút người giỏi là yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp. (Ảnh: BÍCH LIÊN)

Thu hút người giỏi là yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp. (Ảnh: BÍCH LIÊN)

Thách thức cuộc đua nhân tài

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh, nhân lực là một trong những yếu tố cốt lõi nhằm tạo đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó đòi hỏi có chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài công nghệ trong và ngoài nước bằng các cơ chế đột phá.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), an ninh mạng… Đây cũng là những lĩnh vực quan trọng, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nhưng lại yêu cầu nhân sự có kiến thức sâu rộng và kỹ năng cao. Thực tế đó khiến các doanh nghiệp công nghệ phải cạnh tranh gay gắt để tìm kiếm và giữ chân nhân tài.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ta chưa chú trọng vào đào tạo kỹ năng số, nâng cao năng lực công nghệ cho người lao động; chưa có chính sách đãi ngộ, khuyến khích nhân sự có trình độ cao; chưa thu hút nhân lực giỏi vào các ngành công nghệ chiến lược… cũng khiến việc cạnh tranh thu hút người tài khó khăn, dẫn đến nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục thiếu hụt.

Theo ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA, trong ngành công nghệ tại Việt Nam hiện nay, số lượng nhân lực có kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc còn hạn chế, nguồn cung nhân lực không đủ để đáp ứng nhu cầu. Nhiều công ty, trong đó có MISA phải đối mặt với tình trạng nhân sự có kinh nghiệm và kỹ năng cao muốn chuyển sang các công ty lớn có mức lương, chính sách đãi ngộ và các điều kiện khác tốt hơn.

Là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết, nhân sự có năng lực và kinh nghiệm bị các công ty khác thu hút là điều không thể tránh khỏi. Thực tế cũng đã xảy ra một số cá nhân xuất sắc, sau thời gian làm việc tại Viettel đã quyết định thay đổi vì được mời chào với mức lương cao hơn 4-5 lần so với Viettel. Tập đoàn đã nỗ lực thu hút, giữ các nhân sự chuyên gia này với nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công.

Đại diện Tập đoàn Viettel cũng chia sẻ, việc các nhân sự giỏi rời đi là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, Tập đoàn luôn ủng hộ, bởi dù đi đâu, làm gì những nhân sự giỏi đó cũng giúp ích cho xã hội, cho quê hương và Viettel luôn tự hào là nơi đào tạo, chắp cánh cho các nhân tài đó.

Thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Theo các chuyên gia, để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực phát triển, các doanh nghiệp công nghệ cần có chiến lược nhân lực toàn diện; cần có cơ chế vượt trội thu hút nhân tài trong và ngoài nước, xây dựng được chính sách đặc biệt về chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động.

Để thu hút và giữ chân nhân tài, hiện nay nhiều doanh nghiệp có chiến lược cả về cơ chế tuyển dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình đào tạo đến chính sách đãi ngộ và xây dựng môi trường làm việc năng động, sáng tạo. Môi trường làm việc linh hoạt và văn hóa doanh nghiệp mạnh sẽ giúp giữ chân nhân tài hiệu quả hơn nhiều so với các công ty không có chiến lược văn hóa rõ ràng.

Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Theo ông Lăng Vĩnh Tường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SmartDev, để giữ chân người tài, người có năng lực, công ty đầu tư mạnh vào đào tạo và phát triển nhân sự. Nhân sự tại đây thường xuyên được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ mới nhất, đặc biệt trong lĩnh vực AI.

Ngoài ra, SmartDev tài trợ chi phí thi các chứng chỉ kỹ thuật giúp nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên. Công ty cũng xây dựng môi trường làm việc đầy sáng tạo để những ai đam mê công nghệ, đặc biệt là AI, có thể phát triển và gắn bó lâu dài.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, doanh nghiệp nên tạo môi trường làm việc và không gian hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ người tài có điều kiện tốt nhất để sáng tạo và cống hiến; xây dựng những khu không gian số, máy tính hiện đại, máy 3D và những điều kiện tối thiểu để họ thiết kế thử nghiệm các mô hình, sản phẩm mới.

“Tại Việt Nam, chưa có không gian hạ tầng kỹ thuật hiện đại khiến môi trường làm việc chưa đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân tài năng công nghệ ở trong nước cũng như nước ngoài đến Việt Nam, hoặc người Việt từ nước ngoài về nước. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là những người Việt giỏi ở nước ngoài có kinh nghiệm thực tiễn từ các vườn ươm, các cơ sở ươm tạo và các tập đoàn lớn quốc tế”- ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.

Các chuyên gia công nghệ cũng nhận định, để thu hút và giữ chân người tài, Đảng và Nhà nước cần ban hành các luật, nghị định mới phù hợp với sự phát triển công nghệ, đặc biệt cần rà soát sửa đổi các luật có liên quan, gồm Luật Khoa học và Công nghệ và các luật về ngân sách, tài chính... để có các cơ chế chính sách thực sự đột phá, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần hình thành các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, quỹ tài năng trẻ để phát triển nhân lực và duy trì sự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc thu hút, trọng dụng người tài. Điều này không chỉ giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững mà còn tạo nền tảng vững chắc để đưa đất nước trở thành một trung tâm, một điểm đến công nghệ của khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, các chính sách thu hút và giữ chân người tài đã trở thành yếu tố quyết định của doanh nghiệp công nghệ. Đây cũng là giải pháp chiến lược để doanh nghiệp bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường và tiến tới phát triển bền vững trong nền kinh tế số.

BÍCH LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-toan-nhan-luc-linh-vuc-cong-nghe-post868911.html