Giảm rác thải nhựa tại quận Hai Bà Trưng: Cộng đồng cùng vào cuộc
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành một kế hoạch tổng thể phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 trên toàn địa bàn.
Thay đổi bằng những hành động cụ thể
Theo lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, đây là một hoạt động thiết thực vì mục tiêu cao nhất là làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể, tiến tới người dân trên địa bàn bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, thay bằng sản phẩm thân thiện môi trường. Chỉ tiêu cụ thể là 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc không sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và hạn chế 80% sản phẩm nhựa khó phân hủy bắt đầu từ cuối năm 2019. Từ năm 2020 giảm dần sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy trong hoạt động của cơ quan, trong sinh hoạt dân cư, sản xuất kinh doanh. UBND quận đã kêu gọi cơ quan, DN, tổ chức, cá nhân cùng “nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy”.
Trước mắt lực lượng chủ chốt là phụ nữ, thanh niên cần tích cực tham gia vận động tuyên truyền tới các hội viên, đoàn viên. Cùng với đó, UBND các phường tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi nilong. Tuy nhiên, mục tiêu đến 31/12/2020 hạn chế tối đa cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa, còn phải đợi văn bản cấp trên, bởi hiện sản xuất túi nilon vẫn không thuộc ngành bị cấm.
Phó trưởng Phòng TN&MT quận Hai Bà Trưng Nguyễn Phương Thảo
Phó trưởng Phòng TN&MT quận Hai Bà Trưng Nguyễn Phương Thảo cho biết: Trước mắt, UBND quận đã yêu cầu mọi cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, DN Nhà nước thuộc quận không dùng nước uống đóng chai nhựa trong công sở, khi họp và các hoạt động ngoài trời, chuyển sang dùng bình thể tích lớn hoặc bình thủy tinh; không dùng cốc, ống hút nhựa; giảm tối đa túi nilon khó phân hủy trong mua sắm, vận chuyển tại nơi làm việc. Đáng chú ý, quận đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành và tuyên truyền sâu rộng trong các trường học về phòng chống rác thải nhựa, để mỗi học sinh là một tuyên truyền viên nhỏ tại gia đình.
Làm tốt công tác tuyên truyền
Từ kế hoạch của quận Hai Bà Trưng, 20/20 phường đã xây dựng kế hoạch, phát động đến tận hộ gia đình. Tại phường Lê Đại Hành với hơn 200 cơ sở kinh doanh cùng một số siêu thị, trung tâm thương mại, Chủ tịch UBND phường Tạ Thị Thanh Huyền cho hay: Phường đã phân công cụ thể đến các đoàn thể, bộ phận chuyên môn; tuyên truyền qua các cuộc họp đến tận tổ dân phố. Nhất là hội phụ nữ, đoàn thanh niên tích cực vận động hội viên đi chợ mang túi xách dùng nhiều lần. Với các DN, phường tuyên truyền qua kiểm tra hàng tuần về ATTP, môi trường; tại các siêu thị, cũng tuyên truyền gói sản phẩm bằng lá sen, lá chuối... Đặc biệt, tại Trung tâm Triển lãm số 2 Hoa Lư và Công viên Thống Nhất hàng tháng đều có hội chợ triển lãm, mỗi lần xong rác nhựa, túi nilon khắp nơi. Trên cơ sở kiểm tra, phường đã có văn bản đề nghị hai cơ quan ký cam kết với các đơn vị ngay trước hội chợ, yêu cầu khi tham gia phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Những nỗ lực này bước đầu được ghi nhận đã tạo những thay đổi tích cực.
“Nhờ đồng bộ các biện pháp, sau 3 tháng từ khi phường phát động, hiện nhận thức của người dân, DN đã chuyển biến, rõ nét nhất là trong hội viên phụ nữ. Đa số thấy được túi nilon rất độc hại, khó phân hủy, nên đã ít dùng hơn. Ý thức của người dân, người bán hàng đều được nâng lên” - bà Huyền chia sẻ. Dù vậy, từ thực tế địa phương, phường cũng kiến nghị các cấp, ngành có giải pháp cụ thể. Đặc biệt, với các siêu thị, cửa hàng lớn thuộc quận, TP quản lý, các cấp cần có giải pháp tuyên truyền, vì phường chỉ có thẩm quyền nhất định. Hơn nữa, nhiều sáng kiến kinh nghiệm thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần (như dùng ống hút bằng tre) phải được nhân rộng, tuyên truyền để người dân hưởng ứng.