Giảm rác thải nhựa trong du lịch: Bắt đầu từ nhận thức

Du lịch được xem là lĩnh vực vừa chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) nhưng vừa là nguồn phát sinh lớn về RTN. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thực hành giảm nhựa là một trong những yêu cầu đầu tiên.

Du khách lấy nước ở máy cấp nước uống miễn phí do Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam tài trợ

Du khách lấy nước ở máy cấp nước uống miễn phí do Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam tài trợ

Từng bước giảm nhựa

Có mặt tại điểm du lịch cộng đồng sinh thái Thủy Biều (quận Thuận Hóa), chúng tôi ấn tượng với nỗ lực của người dân địa phương trong việc chung tay giảm nhựa. Nhiều gia đình đã sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay cho chai nhựa; thay thế chai đựng sữa tắm, dầu gội sử dụng 1 lần bằng các chai lớn sử dụng lâu dài. Ở đây cũng có hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác theo đúng quy định. Bà Trần Thị Loan, hộ làm du lịch cộng đồng tại Thủy Biều chia sẻ: “Qua các hoạt động tập huấn, chúng tôi ý thức được tác hại của RTN và mong muốn chung tay vì một môi trường du lịch an toàn, thân thiện”.

Huế là một trong những địa phương rất quan tâm đến giảm RTN trong ngành du lịch. Tháng 10/2023, Sở Du lịch đã ban hành kế hoạch giảm thiểu RTN của ngành du lịch địa phương giai đoạn 2023 - 2025. Một trong những mục tiêu quan trọng là cắt giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa, thay thế, chuyến đổi dần dần để tiến tới cấm một số sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần trong các doanh nghiệp du lịch, tập trung vào 207 khách sạn, 73 đơn vị kinh doanh lữ hành, các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các điểm du lịch thuộc các loại hình khác nhau.

 Khách đạp xe và cùng thực hành giảm nhựa tại điểm du lịch ở Thủy Biều

Khách đạp xe và cùng thực hành giảm nhựa tại điểm du lịch ở Thủy Biều

Giữa tháng 3/2025, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam và chính quyền địa phương tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và thực hành giảm nhựa tại các điểm du lịch cộng đồng ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.

Cùng với lực lượng cán bộ phụ trách, các hội, đoàn thể ở địa phương, đối tượng được tập huấn còn có trưởng thôn, đại diện hợp tác xã du lịch cộng đồng, các hộ kinh doanh nhà hàng, các hộ kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nội dung tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức về giảm nhựa, mà đi sâu thảo luận, trao đổi thực hành về nhận diện các nguồn RTN phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh tại điểm du lịch; xác định cách thức, biện pháp có thể áp dụng nhằm giảm thiểu RTN phát sinh và thất thoát ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh tại điểm du lịch. Sau chương trình tập huấn, một số đơn vị kinh doanh đã ký cam kết có hành động cụ thể thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm nhựa tại đơn vị.

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam cho biết, trên thực tế, qua các hoạt động phối hợp cùng Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch cùng các địa phương, đơn vị, việc triển khai thực hành giảm nhựa tại nhiều nhà hàng, khách sạn ở Huế có nhiều kết quả khả quan. Đến nay, đã có nhiều khách sạn đăng ký thí điểm về lập kế hoạch, triển khai và theo dõi hành động giảm nhựa. Bên cạnh điểm đến du lịch giảm RTN tại Thủy Biều được ra mắt vào tháng 12/2023, dự án phối hợp với ngành du lịch địa phương đã và đang triển khai xây dựng điểm đến du lịch giảm RTN tại xã Phú An (huyện Phú Vang), xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy).

Thay đổi nhận thức, chung tay hành động

Bên cạnh những kết quả đáng mừng, việc “xóa” RTN trong cộng đồng làm du lịch nói chung là điều không dễ và cần sự kiên trì cũng như một chiến lược dài hạn. Quan sát thực tế, còn nhiều khách sạn khi tổ chức hội nghị vẫn sử dụng chai nhựa. Vì sử dụng các vật dụng như thủy tinh là rất khó, thậm chí gây nguy hiểm, trong khi chưa có những vật dụng tối ưu để thay thế... Tại nhiều điểm du lịch trong địa bàn thành phố, nhựa dùng 1 lần trong du lịch vẫn còn nhiều, từ chai nhựa, ống hút đến nhiều vật dụng khác.

Theo đại diện Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam, việc tham gia giảm nhựa của các đơn vị còn hạn chế do thiếu sản phẩm thay thế nhựa dùng 1 lần phù hợp với điều kiện kinh tế và mục tiêu kinh doanh; đồng thời, việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường chưa được chú trọng. Để thúc đẩy hiệu quả, bên cạnh tuyên truyền, cần cung cấp giải pháp thay thế phù hợp thực tiễn, tổ chức tham quan các mô hình thành công và duy trì tư vấn kinh nghiệm để đảm bảo cam kết giảm nhựa của các đơn vị.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, vấn đề quan trọng hàng đầu giảm RTN trong du lịch là nhận thức. Sở Du lịch tập trung phối hợp với Hiệp hội Du lịch và Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về giảm nhựa trong ngành du lịch; lồng ghép công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của RTN thông qua các khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế. Hội Du lịch cộng đồng phối hợp tập huấn cho quản lý/chủ hộ kinh doanh tại điểm du lịch cộng đồng, điểm du lịch văn hóa.

Ngành Du lịch cũng tiếp tục vận động, theo dõi các đơn vị triển khai thực hành các giải pháp giảm RTN tại các khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch. Triển khai kế hoạch giảm nhựa tại các khách sạn; xây dựng, đưa vào hoạt động các tour du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, các điểm đến du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; liên kết và tăng cường xây dựng hoạt động cho nhóm đối tác hành động giảm nhựa thành phố Huế; đẩy mạnh quảng bá các điểm đến du lịch giảm thiểu RTN.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/giam-rac-thai-nhua-trong-du-lich-bat-dau-tu-nhan-thuc-152425.html