Giám sát bếp ăn tập thể trong trường học, vì sức khỏe học sinh

Tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các nhà trường; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh được tỉnh Nam Định chú trọng, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhân viên Công ty TNHH sản xuất và thương mại AVA chuẩn bị suất ăn trưa cho học sinh trên địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Nhân viên Công ty TNHH sản xuất và thương mại AVA chuẩn bị suất ăn trưa cho học sinh trên địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Vì sức khỏe học sinh

Năm học 2023-2024, Lớp Mầm non tư thục Saint Mery có gần 380 học sinh học tại 2 cơ sở trên địa bàn thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường. Với đặc thù học sinh mầm non ăn bán trú tại trường nên ở 2 cơ sở đều có bếp ăn phục vụ các cháu hằng ngày.

Cô Đỗ Thị Quyên, chủ Lớp Mầm non tư thục Saint Mery cho biết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Hằng năm, toàn bộ giáo viên, quản lý, đặc biệt là 5 nhân viên nấu ăn tại cơ sở luôn được tập huấn, có chứng chỉ nấu ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo quy định. Cơ sở có đủ đồ dùng sơ chế, chế biến và chia đồ ăn cho học sinh. Đồ dùng được phân loại riêng cho thực phẩm sống, chín và cho từng học sinh.

Bếp ăn của cơ sở được sắp xếp theo quy định một chiều. Trong bếp có đầy đủ dụng cụ nấu bằng inox, có tủ lạnh, hộp lưu mẫu thức ăn, tủ sấy đồ dùng ăn uống của trẻ. Cơ sở cũng lựa chọn và ký hợp đồng mua bán thực phẩm với đơn vị cung cấp có hồ sơ năng lực rõ ràng, đủ điều kiện cung cấp thực phẩm.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại AVA (chuyên cung cấp suất ăn, có cơ sở tại thị trấn Xuân Trường), nơi hằng ngày cung cấp 1.800 suất ăn cho 6 Trường Tiểu học và một Trường Trung học Cơ sở của huyện Xuân Trường, thực phẩm được giao nhận và sử dụng hết theo ngày, không có hiện tượng thực phẩm tồn đọng sang ngày tiếp theo. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty cho hay, toàn bộ thực phẩm sử dụng để chế biến thức ăn cho học sinh đều nhập từ các đơn vị có uy tín. Hệ thống bếp được thiết kế theo quy định một chiều, tất cả nhân viên có giấy chứng nhận kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Định kỳ hoặc đột xuất, đại diện các trường, hội cha mẹ học sinh có kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của đơn vị.

Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm

Chia cơm cho học sinh Lớp Mầm non độc lập Saint Mary (Xuân Trường, Nam Định).

Chia cơm cho học sinh Lớp Mầm non độc lập Saint Mary (Xuân Trường, Nam Định).

Tỉnh Nam Định hiện có 327 trường học các cấp (không tính các nhóm trẻ, trường mầm non tư thục), với 537 bếp ăn tập thể, số học sinh ăn bán trú là gần 120.000 em. Năm học 2023-2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của 20 bếp ăn tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Vũ Lợi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đánh giá, qua kiểm tra một số bếp ăn trong trường học thời gian qua cho thấy, phần lớn các cơ sở giáo dục có bếp ăn đều đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nhà trường có cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn, trang thiết bị phục vụ việc nấu ăn được đầu tư, bữa ăn đảm bảo đủ chất, đủ lượng, phù hợp với lứa tuổi.

Với các trường tự nấu ăn đều ký hợp đồng với các công ty hoặc các cơ sở cung cấp thực phẩm tại địa phương có hồ sơ năng lực rõ ràng, đủ điều kiện cung cấp thực phẩm. Các trường ký hợp đồng mua suất ăn sẵn của các công ty cung cấp, chế biến thực phẩm có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định, hầu hết các trường đều có cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, các trường cần có phương án cải tạo, sửa chữa, xây mới, mở rộng khu vực bếp ăn nhằm đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe học sinh. Hiện nhiều trường có ký kết hợp đồng ngắn hoặc trung hạn với người lao động chế biến thức ăn cho học sinh. Điều này đôi khi không đảm bảo tính bền vững cũng như trách nhiệm của người lao động với công việc mình đảm nhận.

Bữa trưa của học sinh Lớp Mầm non độc lập Saint Mary (Xuân Trường, Nam Định).

Bữa trưa của học sinh Lớp Mầm non độc lập Saint Mary (Xuân Trường, Nam Định).

Từ thực tế đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đề nghị UBND các cấp quan tâm, đầu tư nâng cấp, cải tạo các bếp ăn bán trú cho các trường học trên địa bàn. Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, không khoán trắng việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho các nhà cung cấp thực phẩm, đồng thời xây dựng kịch bản phối hợp xử lý và tổ chức diễn tập thường xuyên để ứng phó với tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo các trường học có bếp ăn bán trú thực hiện tốt việc kiểm tra, ghi chép và lưu giữ tài liệu tại cơ sở ghi chép nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm trong suốt quá trình từ khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, sơ chế, chế biến, phân chia, bảo quản và vận chuyển thức ăn cho đến khi ăn uống.

Thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở thuộc đối tượng kiểm tra nhằm giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Bài và ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/giam-sat-bep-an-tap-the-trong-truong-hoc-vi-suc-khoe-hoc-sinh-20231025082725407.htm