Giám sát - khâu trọng tâm, then chốt nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không ngừng thực hiện mục tiêu 'đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội'. Trao đổi về nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG khẳng định, dù mỗi bước tiến trên hành trình đổi mới đều không dễ dàng nhưng khó đến mấy Quốc hội cũng sẽ nỗ lực làm và phải làm bằng được, bởi đó là 'mệnh lệnh' của cuộc sống, là nhiệm vụ đồng thời cũng là sự kỳ vọng, tin tưởng mà Đảng, Nhà nước, cử tri và Nhân dân dành cho Quốc hội.

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước

- Thưa ông, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV, hoạt động giám sát được xác định là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chức năng này của Quốc hội?

- Hoạt động giám sát của Quốc hội đã có những bước tiến quan trọng trong nhiệm kỳ Khóa XIV, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cử tri, Nhân dân ghi nhận, dù vậy, nếu so với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống thì vẫn còn nhiều điều trăn trở. Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh yêu cầu Quốc hội phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi; chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Trong đó, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát của cả Quốc hội và HĐND các cấp, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các đoàn đại biểu Quốc hội và hướng dẫn HĐND bám sát Chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được Nhân dân và cử tri cả nước đánh giá cao.

- Như ông chia sẻ, hoạt động giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ trước đã có rất nhiều đổi mới, để lại nhiều dấu ấn. Nhưng những đổi mới của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng cho thấy, dư địa đổi mới và năng lực đổi mới của Quốc hội đang rất dồi dào, thưa ông?

- Những dấu ấn của Quốc hội trong nhiệm kỳ trước vừa là nền móng vững chắc, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đối với những người đi sau. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần chia sẻ rằng “để tiến thêm một bước, thậm chí là nửa bước trên hành trình đổi mới của Quốc hội cũng rất khó”. Dù vậy, Quốc hội sẽ luôn nỗ lực làm và phải làm bằng được, bởi đó là “mệnh lệnh” của cuộc sống, là nhiệm vụ đồng thời cũng là sự kỳ vọng, tin tưởng mà Đảng, Nhà nước, cử tri và Nhân dân dành cho Quốc hội.

Có thể nói rằng, trong từng hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vừa qua đều có đổi mới, trong đó có những đổi mới rất căn cơ về cách thức tổ chức thực hiện và để lại nhiều dấu ấn, kinh nghiệm quý.

Minh chứng sinh động nhất cho những đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát của Quốc hội chính là hoạt động giám sát chuyên đề. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, từ sớm, từ xa như: xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo; xác định cụ thể đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết trước khi các Đoàn giám sát triển khai hoạt động; giao Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tổ chức giám sát và gửi kết quả đến Đoàn giám sát; các đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương; căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp; đặc biệt là chú trọng sử dụng các kết luận của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các nguồn thông tin khác làm tiền đề để chuẩn bị nội dung giám sát cụ thể ở mỗi địa phương, ngành.

Các Đoàn giám sát đã tổ chức các tổ công tác (đây là lần đầu tiên các Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức hình thức này) đến làm việc trước, kỹ lưỡng và sâu với bộ, ngành, địa phương để làm rõ một số nội dung thuộc phạm vi giám sát, giúp Đoàn giám sát chuẩn bị các kết luận giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Huy động sự phối hợp tham gia rộng rãi của Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tổng hợp thông tin về tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu để kịp thời chỉ đạo trong quá trình giám sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát. Các cơ quan truyền thông tích cực tham gia, phản ánh kịp thời các hoạt động của Đoàn giám sát đến cử tri và Nhân dân.

Với cách thức tổ chức triển khai như vậy, các Đoàn giám sát đã giám sát toàn diện nhưng vẫn tập trung có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đi sâu phân tích, tránh dàn trải, tối ưu hóa kết quả giám sát; qua đó, phát huy những mặt được, phát hiện bất cập, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đề ra giải pháp hữu hiệu trước mắt và lâu dài để khắc phục. Các cơ quan chịu sự giám sát đã tích cực phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả giám sát được thể hiện rõ trong báo cáo của Đoàn giám sát, đạt được sự đồng thuận và thống nhất về quan điểm, nhận thức, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiến nghị, đề xuất giữa Đoàn giám sát với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về giám sát chuyên đề; qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản và đang trong quá trình tổ chức thực hiện với tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn. Kết quả giám sát cũng giúp cung cấp thêm nhiều thông tin, giải pháp, phương hướng để góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng pháp luật; nhiều kiến nghị giám sát được nghiên cứu trong quá trình xây dựng trình Quốc hội thông qua các đạo luật trong năm 2022, 2023 và các năm tiếp theo. Một số nội dung kết luận quan trọng, đoàn giám sát báo cáo Đảng đoàn Quốc hội để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, từ đó tạo chuyển biến quan trọng trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề được giám sát.

Một dấu ấn nổi bật khác là, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri đã ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hàng tháng. Đây là đổi mới quan trọng được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Thông qua hoạt động này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm; việc phân loại, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở Trung ương và địa phương; theo dõi, đôn đốc và đánh giá việc trả lời, kiến nghị cử tri của các bộ, ngành trung ương.

Cùng với giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện, cũng như chỉ đạo, phối hợp giải quyết dứt điểm một số vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm. Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng hợp thông tin, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba và thứ Tư về kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai và thứ Ba, bảo đảm tính thời sự, khách quan, toàn diện, có số liệu chứng minh rõ ràng và kiến nghị cụ thể.

Hoạt động giải trình về những vấn đề nóng, phát sinh trong cuộc sống cũng được Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đẩy mạnh và có tác động mạnh, kịp thời, tạo chuyển biến trong thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị Triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, ngày 27.9.2022. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị Triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, ngày 27.9.2022. Ảnh: Lâm Hiển

Thống nhất nhận thức, nâng tính chuyên nghiệp

- Một dấu ấn quan trọng nữa trong hoạt động này là Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế về giám sát. Có thể ví đó như là “khâu then chốt của then chốt” để nâng cao hiệu quả giám sát, thưa ông?

- Đúng là trong nhiệm kỳ này, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc hoàn thiện thể chế về giám sát. Vì mặc dù chúng ta đã có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nghị quyết, hướng dẫn khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhưng qua nghiên cứu cho thấy còn có những lĩnh vực, khoảng trống cần thiết phải có khung pháp lý chung để thống nhất cả về nhận thức và cách thức triển khai thực hiện thì mới nâng được hiệu quả giám sát.

Đến nay, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; tham mưu ban hành Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, làm cơ sở để các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hướng dẫn giám sát văn bản quy phạm pháp luật tại các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp; tổ chức hội nghị triển khai hoạt động giám sát hàng năm, hội nghị tổng kết công tác HĐND năm trước, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm sau, ban hành kết luận về công tác dân nguyện hàng tháng… Có thể khẳng định rằng, việc ban hành thể chế về công tác giám sát đã góp phần hết sức quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

Tôi ví dụ câu chuyện giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều về việc luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư; rồi nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật nhưng lại có những nội dung khác luật, thậm chí là trái với tinh thần của luật; rồi hiện tượng cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các văn bản dưới luật khiến luật thì tốt nhưng vẫn khó đi vào cuộc sống. Điều này đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật. Nhưng việc tổ chức thực hiện giám sát như thế nào, nội dung giám sát ra sao, xử lý các vấn đề sau giám sát thế nào, thậm chí là kỳ giám sát (khoảng thời gian giám sát) cũng chưa thống nhất, chưa kịp thời, chưa thường xuyên nên hiệu quả còn hạn chế.

Chính vì vậy, để tạo sự đồng bộ, thống nhất, chủ động của các cơ quan trong triển khai thực hiện, ngày 22.7.2022, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đây là dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo sự chuyển biến thực chất và tích cực hơn nữa trong hoạt động này. Qua đó, giúp các cơ quan tiến hành giám sát bài bản hơn, bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện, khắc phục vướng mắc trong thực tiễn giám sát của các cơ quan của Quốc hội.

Đến thời điểm này, dù mới qua gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 560, nhưng công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng, kịp thời xác định những văn bản chậm ban hành của hơn 34 luật, nghị quyết có văn bản chậm ban hành tới hơn 8 năm, văn bản có dấu hiệu trái luật, không phù hợp với tinh thần của luật, còn chồng chéo với các văn bản pháp luật khác. Qua giám sát đã chỉ rõ trách nhiệm và đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra những tồn tại, hạn chế này và có giải pháp khắc phục.

- Như ông nhận định, qua thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý. Xin ông chia sẻ thêm về điều này?

- Trước hết, theo tôi là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kiểm tra, giám sát nói chung, trong đó có hoạt động giám sát của Quốc hội, thông qua những định hướng đúng đắn để hoạt động giám sát của Quốc hội thực sự phát huy được hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến thực chất trong thực tế.

Thứ hai, phải tiếp tục nâng cao nhận thức về chức năng giám sát của Quốc hội. Hoạt động giám sát cần được xác định là xem xét, đánh giá việc ban hành quy định đó đã đúng, trúng chưa? Việc tổ chức thực hiện đã nghiêm túc chưa? Và cung cấp những thông tin thực tiễn trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở hoàn thiện thể chế, góp phần phát triển đất nước. Theo đó, các kiến nghị, đề xuất sau giám sát cần được nghiên cứu cụ thể, kịp thời, nhất là đối với các kiến nghị liên quan đến chính sách, pháp luật cần được xem xét thấu đáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát; tăng cường tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của các hình thức giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Chú trọng và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, cả cơ quan giám sát lẫn cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, nâng cao chất lượng, nội dung, yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát; tăng cường giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị.

Thứ tư, bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho hoạt động giám sát, cả về nhân lực, vật lực và tài lực, nhất là đội ngũ cán bộ, phương tiện thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giám, xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát.

Thứ năm, phát huy mạnh mẽ vai trò của truyền thông trong toàn bộ quá trình giám sát và thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.

Đồng thời tăng cường công tác phối hợp trong giám sát. Giám sát cần dựa trên tinh thần sẵn sàng hợp tác, phải có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức hoạt động giám sát. Yêu cầu khách quan của giám sát là phải tăng cường và thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp, như phối hợp giữa các chủ thể giám sát; kết hợp nhiều phương thức giám sát với một số nội dung; phối hợp giữa chủ thể giám sát với đối tượng chịu sự giám sát; phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội với HĐND; phối hợp giữa các đơn vị phục vụ...

- Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/giam-sat---khau-trong-tam-then-chot%C2%A0nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-quoc-hoi-i326112/