Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm mùa, sởi

Bộ Y tế đã có Công văn số 656/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng từ cuối năm 2024, nhất là tại các quốc gia trong khu vực Bắc bán cầu.

Trong nước, mặc dù số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh sởi hiện có xu hướng giảm so với tháng 12/2024, nhưng vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương.

Hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa Đông Xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em Hà Nội.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em Hà Nội.

Thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi.

Mặt khác, các địa phương tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.

Song song với đó, các địa phương chỉ đạo việc theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus.

Các đơn vị chủ động giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, giáo dục, cụm, khu công nghiệp...

Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao…

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo Ban Quản lý các cụm, khu công nghiệp, địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí… phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Trần Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-sat-phat-hien-som-cac-truong-hop-nghi-ngo-mac-benh-cum-mua-soi.html