Giám sát thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh

Sáng nay 9/11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở LĐ,TB&XH về giám sát thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023.

Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH, tỉnh Quảng Trị có số lượng người có công với cách mạng khá lớn, chiếm 18,46% dân số. Toàn tỉnh có trên 120.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó có 2.857 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 19.204 liệt sĩ; 12.128 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 3.089 bệnh binh; 14.364 người có công; 5.105 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học; 59.675 người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến...

Trưởng Ban văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: N.T.H

Trưởng Ban văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: N.T.H

Tính đến ngày 30/7/2023, toàn tỉnh có 17.124 người có công với cách mạng và thân nhân đang được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với tông số tiền chỉ trả gần 30 tỉ đồng/tháng. Những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển KT-XH, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị luôn xác định công tác chính sách người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tỉnh thần đối với người có công với cách mạng.

Giai đoạn 2022-2023, công tác xác nhận, thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng bảo đảm đúng, đầy đủ. Công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ thực hiện tốt, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống người dân.

Cùng với việc thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời và thuận tiện các khoản trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng, các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, ưu tiên người có công và thân nhân như: giúp đỡ để thương binh, bệnh binh nặng và gia đình có việc làm phù hợp; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, góp phần ổn định cuộc sống.

Đến nay, 98,12% (41.495/42.292) hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Các phong trào tình nghĩa ở tỉnh Quảng Trị đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân, trở thành một hoạt động chính trị - xã hội rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao.

Những năm qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác người có công với cách mạng.

Nhờ vậy, nhiều người có công và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn được quan tâm, động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tỉnh thần. Đây cũng chính là động lực để người có công và gia đình người có công khắc phục khó khăn về điều kiện kinh tế, sức khỏe; luôn phát huy tinh thần cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi việc, góp phần đáng kế vào xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống văn bản quy định về chế độ, chính sách lĩnh vực người có công thường có thay đối, văn bản vẫn còn một số bất cập, nên cũng gặp một số khó khăn khi giải quyết chính sách cho thân nhân người có công với cách mạng.

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Quảng Trị là vùng đất anh hùng nhưng chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, để tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, tỉnh đã có nhiều mô hình hay và ý nghĩa như: nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức bữa cơm tất và bữa cơm nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 với Mẹ Việt Nam anh hùng; chương trình hoa dâng mộ liệt sĩ, thắp nến tri ân...

Những hoạt động chăm sóc thương bình, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh cũng như thay mặt cả nước chăm sóc mộ phần cho các anh hùng liệt sĩ đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của mỗi người dân Quảng Trị.

Để thực hiện tốt hơn các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội Hồ Thị Thu Hằng đề nghị ngành LĐ, TB&XH tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân đối với việc chăm lo gia đình chính sách là trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân nhớ ơn công lao người đi trước hy sinh để có hòa bình hôm nay.

Quan tâm làm tốt công tác quản lý nhà nước, thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các chế độ, chính sách đãi ngộ người có công cả về vật chất lẫn tinh thần, trong đó có công tác điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người có công.

Rà soát, thống kê đối tượng điều dưỡng người có công và thực hiện tốt công tác điều dưỡng người có công.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quy trách nhiệm để xảy ra sai sót trong thực hiện chính sách người có công. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo các công trình tri ân phải khang trang, trang nghiêm, sạch đẹp.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để nâng cao đời sống người có công phải đạt mức trung bình khá hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/giam-sat-thuc-hien-chinh-sach-uu-dai-nguoi-co-cong-tren-dia-ban-tinh/181223.htm