GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43: CẦN ĐỀ XUẤT NHỮNG GIẢI PHÁP KHẢ THI TẬP TRUNG THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Đóng góp ý kiến vào chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, các ĐBQH cho rằng, Quốc hội cần đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, làm rõ được những tồn tại, nguyên nhân, rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất được những giải pháp khả thi cần tập trung thực hiện trong thời gian tới...
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia” để thực hiện trong năm 2024. Có thể nói, đây là Chương trình quan trọng, được thực hiện trong bối cảnh khi mà năm 2021 và 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân.
Cho đến nay, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã được nhiều địa phương triển khai, áp dụng cho nhiều đối tượng thụ hưởng. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia” là hết sức cần thiết. Việc làm này cũng nhằm đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết và để Quốc hội đề ra các giải pháp thiết thực hơn trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đồng thuận với việc Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 43 của Quốc hội được ban hành và triển khai thực hiện là một dấu ấn đột phá, chưa có tiền lệ, góp phần rất quan trọng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh, doanh của các thành phần kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện nghị quyết vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai thực hiện nghị quyết còn chậm, nhiều chính sách quan trọng với kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu đặt ra. Ví dụ như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và việc triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc chương trình...
Đối với các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia thì có thể nói việc triển khai các Nghị quyết này là một điểm sáng, có bước đột phá thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Hàng loạt dự án quan trọng quốc gia đã được khởi công mới, một số đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc triển khai Nghị quyết cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế như: Tốc độ giải ngân một số dự án còn chậm, nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn của chủ đầu tư, các nhà thầu chưa được tháo gỡ kịp thời.
Với lý lẽ nêu trên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, cần sự giám sát tối cao của Quốc hội đối với chuyên đề này để có sự đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, làm rõ được những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất được những giải pháp khả thi cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Rà soát việc sử dụng nguồn vỗn hỗ trợ đã thực sự đúng đối tượng, mục đích chưa
Đưa ra quan điểm trong việc giám sát chuyên đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, nhiều địa phương đã triển khai việc hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, ổn định cuốc sống, đảm bảo an sinh xã hội và việc làm…
Vấn đề khiến đại biểu Nguyễn Thị Sửu quan tâm trong chuyên đề giám sát trên là hoạt động, chất lượng của các tổ chức tín dụng; vốn giải ngân, vốn cho vay; tỷ lệ nợ xấu hiện tại ở các ngân hàng và các phương án cho vay được phân tích, định hướng như thế nào. Ngoài ra, bộ máy của các tổ chức tín dụng được tinh giản, cải cách được đánh giá, bàn luận cải tổ trong thời gian tới ra sao…
Để thực hiện hiệu quả đối với chuyên đề giám sát Nghị quyết số 43/2022/QH15, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, các Bộ ngành, địa phương cần có sự rà soát việc sử dụng nguồn vỗn hỗ trợ đã thực sự đúng đối tượng, mục đích chưa. Các dự án quan trọng quốc gia đã được tính toán, xem xét kỹ lưỡng về mức đầu tư, tiến độ thực hiện như thế nào.
Khẳng định về sự cần thiết của việc Quốc hội ban hành số 43/2022/QH15, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đề ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả để nâng cao năng lực phòng, chống COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 43 với Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2024. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm quốc gia có liên quan cần phải giám sát để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm đưa vào khai thác, sử dụng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Với những ý kiến, đề xuất như trên, các ĐBQH kỳ vọng Quốc hội sẽ thực hiện chuyên đề giám sát một cách kỹ lưỡng, giải quyết được tận gốc những vấn đề còn đang bất cập, nổi cộm trong thực tiễn cuộc sống. Thông qua hoạt động giám sát cũng là cơ sở để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu các chính sách thiết thực, kịp thời phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=78179