Giám sát tốt để phục vụ nhân dân

Thông qua việc giám sát, phản biện với tinh thần xây là chính của MTTQ và các đoàn thể, tổ chức Đảng và chính quyền cần tự soi rọi lại mình

Năm 2022, hệ thống MTTQ TP HCM đã thực hiện tốt Đề án 06-ĐA/TU "Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP HCM" giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án 06) và Chỉ thị 13-CT/TU năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo thực hiện đề án này. Qua đó, MTTQ các cấp của thành phố tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, góp phần vào việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động giám sát.

Nêu cao tinh thần tự soi

Qua hơn 1 năm thực hiện, ông Cao Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 4, TP HCM - cho biết Đề án 06 đã mang lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả thiết thực. Đề án này giúp vị trí, vai trò của hệ thống MTTQ và đoàn thể các quận, huyện được nâng lên; giúp sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền và nhân dân cao hơn khi thực hiện chính quyền đô thị.

Hội nghị chuyên đề “Giải pháp nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp” do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức .Ảnh: THANH AN

Hội nghị chuyên đề “Giải pháp nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp” do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức .Ảnh: THANH AN

"Thông qua việc giám sát, phản biện với tinh thần xây là chính của MTTQ và các đoàn thể thì tổ chức Đảng và chính quyền cần tự soi rọi lại mình. Cái nào làm tốt thì phát huy, chỗ nào khiếm khuyết thì khắc phục" - ông Cao Tuấn Anh nhìn nhận.

Theo ông Cao Tuấn Anh, khi thực hiện Đề án 06, từng đảng viên phải tự soi rọi lại mình. Điều này giúp đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, phụng sự người dân một cách tốt nhất. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Đề án 06 cũng tạo điều kiện để MTTQ lắng nghe tiếng nói đa chiều của nhân dân.

"MTTQ lắng nghe hết ý kiến của người dân rồi sau đó chắt lọc lại. Ý kiến nào hợp lý và chính đáng thì MTTQ phản ánh cho tổ chức Đảng và chính quyền" - ông Cao Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Mai Hồng Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ quận 8, TP HCM - cho biết khi triển khai thực hiện Đề án 06, qua giám sát, MTTQ chỉ ra những hạn chế, yếu kém để tổ chức hoặc cá nhân được giám sát khắc phục. MTTQ quận còn tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia công tác giám sát này. Từ đó, giúp cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, chính trị tự uốn nắn bản thân, tránh mắc phải vi phạm; làm việc năng nổ, tích cực hơn.

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, trong năm 2022, hệ thống MTTQ thành phố đã tổ chức thực hiện tốt Đề án 06. Cấp ủy, chính quyền các cấp ở thành phố đã quan tâm lãnh đạo quán triệt nội dung Đề án 06 trong hệ thống chính trị tại địa phương; chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động giám sát và tổ chức hội nghị nhân dân của MTTQ cùng cấp. Các đơn vị, cá nhân được giám sát nghiêm túc thực hiện nội dung báo cáo theo yêu cầu và giải trình cụ thể những vấn đề mà đoàn giám sát đặt ra.

Giám sát vấn đề "nóng"

Ông Cao Tuấn Anh cho rằng muốn thực hiện tốt Đề án 06, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải bản lĩnh, mạnh dạn dấn thân vào những lĩnh vực khó để giám sát; không được thấy khó mà chuyển sang giám sát nội dung khác. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng phải biết làm, có chính kiến và biết giữ mình.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ tham gia giám sát phải đeo bám sự việc đến cùng. "Với các kiến nghị, đề xuất bằng văn bản, phải xem khi nào chính quyền cùng cấp giải quyết xong thì trả lời cho người dân. Nếu giải quyết chưa xong thì phân tích nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan để tiếp tục kiến nghị giải quyết dứt điểm" - ông Cao Tuấn Anh dẫn chứng.

Trong khi đó, bà Phan Kiều Thanh Hương nhìn nhận việc thực hiện có hiệu quả Đề án 06 sẽ giúp MTTQ các cấp của thành phố tích lũy thêm kinh nghiệm, góp phần vào việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động giám sát. Từ đó, phát huy hiệu quả công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, các hoạt động giám sát của hệ thống MTTQ TP HCM còn giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thành phố.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả Đề án 06, bà Phan Kiều Thanh Hương cho biết thời gian tới, hệ thống MTTQ TP HCM sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp về trình độ chuyên môn, năng lực dự báo, nhìn nhận, phân tích, đào tạo, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp.

MTTQ TP HCM sẽ giám sát việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân các cấp. Nội dung giám sát mà hệ thống MTTQ hướng đến là góp ý việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, những vấn đề "nóng" mà nhân dân quan tâm.

Cơ chế quan trọng

Đề án 06 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã cụ thể hóa Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị; là cơ chế quan trọng, tạo điều kiện để MTTQ các cấp thành phố thực hiện giám sát tổ chức Đảng, đảng viên.

Năm 2022, TP HCM thực hiện giai đoạn 1 (2021-2025) Đề án 06 và Chỉ thị 13-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giám sát Ban Thường vụ cấp ủy, UBND cấp dưới; người đứng đầu cấp ủy, UBND cấp dưới; các cơ quan giúp việc cho cấp ủy và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp.

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ly-tuong-song/giam-sat-tot-de-phuc-vu-nhan-dan-20230205205622005.htm