Giám sát vật tư nông nghiệp: Để đầu vào sạch, đầu ra mạnh

Vật tư nông nghiệp là yếu tố đầu vào quan trọng, nếu được sử dụng đúng, an toàn và chất lượng sẽ gia tăng giá trị hàng hóa, bảo vệ môi trường, sức khỏe, mở rộng thị trường, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh

Công tác giám sát vật tư nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Thông qua đó, người nông dân được trang bị kiến thức để sử dụng vật tư an toàn, đồng thời nâng cao khả năng nhận diện, phòng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Đỗ Mạnh Hải, Phó trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2020, thực hiện chương trình phối hợp giám sát việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cả nước đã tổ chức hơn 100.000 buổi tuyên truyền và gần 10.000 lớp tập huấn, thu hút khoảng 800.000 lượt nông dân tham gia. Thông qua các hoạt động này, nông dân được nâng cao nhận thức và kỹ năng nhận diện vật tư nông nghiệp an toàn, từng bước đẩy lùi tình trạng sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cần sớm có chính sách đầu tư cho công cụ giám sát nông nghiệp, nhất là tại các xã vùng cao.

Cần sớm có chính sách đầu tư cho công cụ giám sát nông nghiệp, nhất là tại các xã vùng cao.

Ngoài công tác tuyên truyền, Hội Nông dân còn chủ động tham gia giám sát pháp luật khi trực tiếp nghiên cứu, xem xét hơn 7.300 văn bản quy phạm pháp luật liên quan và thành lập gần 6.000 đoàn giám sát tại cơ sở. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt này, đã có hơn 2.600 vụ vi phạm liên quan đến vật tư nông nghiệp được phát hiện, góp phần lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nông dân.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định: “Việc người nông dân trực tiếp tham gia giám sát vật tư nông nghiệp là một bước tiến có tính chất chiến lược”. Theo ông, điều này mang lại ít nhất 3 ý nghĩa: Thứ nhất, nó là “thước đo” về an ninh nông nghiệp. Thứ hai, việc giám sát giúp nông dân chủ động bảo vệ cây trồng, vật nuôi và sức khỏe cộng đồng. Thứ ba, đây là sự kết nối cần thiết giữa Đảng - Nhà nước quản lý và người dân thực thi, qua đó thúc đẩy hình thành một nền nông nghiệp có tiêu chuẩn, minh bạch, hướng đến kinh tế xanh.

Ông Thủy cũng chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục: “Hiện nay, giống cây trồng, vật nuôi có thể kiểm soát được nhưng phân bón lại rất khó. Bao bì phân bón hiện chỉ ghi thành phần mà không có hướng dẫn phối trộn cụ thể, gây khó khăn cho người giám sát”. Điều này đang cản trở mục tiêu xây dựng chuỗi nông sản sạch, trong khi thị trường đang đòi hỏi ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Nếu không đảm bảo đầu vào thì đầu ra không thể sạch. Giám sát tốt vật tư nông nghiệp chính là gắn sản xuất với tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp người dân chuyển từ canh tác bừa bãi sang sản xuất có trách nhiệm.

Khoảng trống trong năng lực giám sát tại cơ sở

Tại một số địa phương miền núi, công tác giám sát vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả hiện nay có mẫu mã, bao bì rất tinh vi. Ngay cả cán bộ kỹ thuật nhiều khi cũng không nhận ra được hàng giả thì làm sao đòi hỏi nông dân phát hiện.

Thực tế, việc giám sát hiện chủ yếu vẫn dựa vào cảm quan và kinh nghiệm, trong khi thiếu các thiết bị chuyên dụng để kiểm tra nhanh tại chỗ. Mạng lưới cảnh báo vật tư kém chất lượng chưa được thiết lập đồng bộ khiến khả năng phản ứng với các sản phẩm giả mạo rất hạn chế.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) kiến nghị cần sớm có chính sách đầu tư cho công cụ giám sát, nhất là tại các xã vùng cao, nơi dễ bị các đối tượng tiêu thụ vật tư kém chất lượng lợi dụng.

Để giải bài toán vật tư nông nghiệp kém chất lượng, theo ông Hiếu, không thể chỉ dựa vào người nông dân hay cơ quan chức năng mà cần sự vào cuộc của cả doanh nghiệp. Các đơn vị sản xuất, phân phối vật tư cần chủ động phối hợp với chính quyền và Hội Nông dân để tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng nhận diện sản phẩm chính hãng.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã chủ động phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương tổ chức các buổi huấn luyện, hướng dẫn nông dân lựa chọn và sử dụng đúng quy trình. Cần nhân rộng các mô hình này để tạo thành phong trào giám sát từ cơ sở, với nông dân là trung tâm.

Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia lưu ý là vai trò của hợp tác xã trong việc bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Dù công tác giám sát của Hội Nông dân có tích cực đến đâu, nếu không có những hợp tác xã đủ mạnh làm “chỗ dựa” cho người sản xuất, thì quyền lợi của họ vẫn rất khó được đảm bảo.

Hợp tác xã là nơi tập trung lực lượng sản xuất, có khả năng tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng mua vật tư với các nhà cung cấp uy tín, từ đó đảm bảo chất lượng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, khi thông qua hợp tác xã để mua vật tư, nông dân còn có thể lưu giữ chứng từ, hóa đơn, mẫu vật tư để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc nếu xảy ra sự cố về chất lượng.

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng cơ chế khuyến khích hợp tác xã ký hợp đồng tập thể với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, đồng thời vận động người dân lưu giữ bao bì, hóa đơn và mẫu vật tư đầu vào cho đến hết vòng đời sản phẩm. Đây được xem là giải pháp thiết thực nhằm tăng cường năng lực giám sát từ cơ sở, góp phần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, an toàn và bền vững.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi sang hướng xanh, sạch, tuần hoàn, việc kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào sẽ quyết định chất lượng đầu ra. Mọi sự lơ là trong giám sát sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế.

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ năm 2025, các địa phương cần xây dựng và vận hành hệ thống giám sát vật tư nông nghiệp có sự tham gia của cả ba bên: cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Hệ thống này cần tích hợp công nghệ thông tin, như mã QR truy xuất nguồn gốc, app phản ánh sản phẩm nghi vấn, hệ thống cảnh báo sớm…

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-sat-vat-tu-nong-nghiep-de-dau-vao-sach-dau-ra-manh-d287419.html