Giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại Sóc Trăng
Ông Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu tỉnh Sóc Trăng tiếp tục rà soát, đánh giá mạng lưới trường lớp, điều kiện về nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ngày 28/3, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại tỉnh Sóc Trăng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, năm học 2022 - 2023, toàn ngành giáo dục của tỉnh có 11.440 giáo viên phổ thông, đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đã hoàn thành Mudun 9.
Trong bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, ở cấp tiểu học, số lượng giáo viên đáp ứng việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, kể cả đối với giáo viên dạy tin học, ngoại ngữ được triển khai bắt buộc đối với lớp 3 từ năm học 2021 - 2022.
Tuy nhiên, đối với cấp trung học cơ sở, việc dạy môn mới và hoạt động mới như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương còn gặp nhiều khó khăn do chưa có giáo viên được đào tạo chính quy dạy các môn tích hợp.
Cấp trung học phổ thông, việc lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp bước đầu chưa quen, các cơ sở giáo dục đã có định hướng cho học sinh chọn tổ hợp phù hợp với điều kiện đội ngũ và cơ sở vật chất của trường.
Một khó khăn lớn nữa của tỉnh Sóc Trăng là hiện nay cơ sở vật chất còn thiếu so với yêu cầu đổi mới, thiết bị dạy và học đầu tư chưa đồng bộ.
Hiện nay tỉnh Sóc Trăng vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên phổ thông cục bộ. Giáo viên phải dạy nhiều lớp, số lượng học sinh đông, thời gian tiếp xúc không nhiều nên giáo viên không thể biết rõ ràng năng lực của từng học sinh. Một số giáo viên chưa mạnh dạng trong đổi mới,…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh, việc đổi mới là cả quá trình lâu dài và nhiều thách thức, đòi hỏi ngành giáo dục phải luôn chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Qua đó, yêu cầu tỉnh Sóc Trăng tiếp tục rà soát, đánh giá mạng lưới trường lớp, điều kiện về nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện, đào tạo thế hệ học sinh có ý chí, đạo đức, năng lực tự học, khả năng thích ứng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đánh giá chất lượng theo hướng đa chiều./.