Giảm số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư và vấn đề 'liêm chính học thuật'
Việc công khai danh sách và lý lịch khoa học của ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) có tác dụng minh bạch thông tin, giúp việc xét và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS của Hội đồng Giáo sư các cấp được khách quan, công bằng và liêm chính hơn.
"Báo động" số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm
Những con số ấn tượng trong xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2022
394 ứng viên được đề nghị xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022
Ngành Tâm lý “trắng” ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư năm 2022
Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận 383 ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2022
Sau khi Hội đồng Giáo sư nhà nước tổ chức việc xét, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng ứng viên và số ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS,PGS có xu hướng giảm.
Thống kê số lượng đạt tiêu chuẩn GS,PGS từ năm 2015 - 2022 theo bảng số liệu sau:
Phân tích về số liệu giảm ứng viên giáo sư, phó giáo sư theo thống kê trên, GS.TS Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Nông - Lâm nghiệp cho biết, số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 tăng tới gần 60% so với năm 2016, chủ yếu do tâm lý “ngại” Hội đồng Giáo sư Nhà nước (GSNN) áp dụng Quyết định 37, ứng viên phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI hoặc Scopus hoặc các công trình khoa học khác có uy tín tương đương…
Trong sự sụt giảm số lượng chung này, các ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có xu hướng giảm “sâu” hơn. Đó là thực trạng đáng lo ngại.
Vì, nước nào có nghiên cứu khoa học cơ bản mạnh thì nước đó có nền giáo dục đại học mạnh, có sức cạnh tranh về kinh tế mạnh, có nhiều bản quyền công nghệ, có nhiều đổi mới sáng tạo, có khởi nghiệp thiết thực, vì họ sở hữu nhiều công nghệ lõi, họ xử lý được nhiều bài toán nguồn...
Có thể nói khoa học cơ bản (và cùng với khoa học cơ bản là khoa học ứng dụng) đã góp phần quan trong vào việc tạo lập nên thế đứng, tầm vóc và sự hùng mạnh của một quốc gia.
Tính “khai sáng” của Quyết định 37
- Vậy nguyên nhân do đâu có sự sụt giảm số lượng ứng viên GS, PGS hiện nay thưa ông?
Hiện nay chưa có một nghiên cứu bài bản và tổng thể nào để xác định đúng và trúng về nguyên nhân khiến số lượng GS, PGS của các ngành khoa học cơ bản giảm, đa số chỉ là phỏng đoán dựa trên các trải nghiệm cá nhân.
Có người cho rằng nguyên nhân trực tiếp là do các sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học cơ bản khó tìm được việc làm; có được việc làm rồi thì thu nhập lại không cao, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cũng như thăng tiến trong xã hội thấp, nên các học sinh phổ thông ưu tú nhất, giỏi giang nhất, thi vào các lĩnh vực này không nhiều, họ tìm đến với các lĩnh vực khác, trong đó có những lĩnh vực “gần” hơn với khoa học cơ bản, nhưng lại có thu nhập cao, dễ kiếm việc, dễ thăng tiến, để “đầu quân”.
Thêm nữa, đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu cơ bản chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh, chưa đúng trọng tâm trọng điểm và đôi khi là chưa đúng “địa chỉ”, tản mạn và rời rạc; lại thêm chính sách giao tự chủ, cắt/giảm kinh phí chi thường xuyên làm cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học này đã khó càng thêm khó.
Nguyên nhân sự sụt giảm số lượng GS, PGS của một số ngành bên khoa học xã hội thì lại có những nét khác với các ngành khoa học cơ bản, trong khi các ngành khoa học cơ bản có công bố quốc tế tốt thì các nhà khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội lại có công bố quốc tế ít hơn nhiều so với các ngành/lĩnh vực nghiên cứu khác, nếu có thì chất lượng “cũng chưa đến mức tự hào”.
Người ta cho rằng, nguyên nhân một phần là do các công bố khoa học của các ngành khoa học xã hội, ở một mức độ nào đó, chỉ ở mức tầm tầm, tròn trịa, rất thiếu các công trình mang hơi thở thời đại. Vậy nên, dường như khoa học xã hội chưa thực hiện đúng và tốt sứ mạng của nó.
Có thể nói nguyên nhân vừa sâu xa vừa trực tiếp của việc sụt giảm số lượng GS, PGS của một số ngành/lĩnh vực thuộc khoa học xã hội là do chúng ta hội nhập vừa “nông” vừa “chậm” vào mạng lưới nghiên cứu, vào “không khí” và môi trường nghiên cứu, vào “luật tục” nghiên cứu về khoa học xã hội của cộng đồng các nhà khoa học xã hội trên thế giới.
Người ta cho rằng, nếu như giáo dục phổ thông là nhằm cung cấp cho xã hội các công dân tốt cho tương lai, có đủ phẩm chất, năng lực và bản lĩnh, có kiến thức phổ thông vững vàng, đủ sức “trả lời” các câu hỏi của cuộc sống khi các em bước vào đời, bình đẳng và tự tin với các bạn cùng trang lứa ở trong và ngoài nước thì giáo dục đại học phải quốc tế hóa càng sâu càng rộng càng sớm càng tốt để chúng ta có thế sớm “sánh vai với các cường quốc 5 châu” về giáo dục đại học.
Nói đến giáo dục đại học là phải nói đến nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ. Cạnh tranh quốc tế chủ yếu và trước hết là cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực và KH&CN. Trong thế giới hội nhập này cần phải giải quyết được các nút thắt này.
Vậy nên, Quyết định 37 là một quyết định đúng, là một bước tiến quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam dần thích ứng với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, để có thể hội nhập ngày một sâu rộng và toàn diện hơn với giáo dục đại học thế giới.
Người ta nhận thấy là, số lượng GS, PGS tuy có giảm, nhưng “quý hồ tinh bất quí hồ đa”, chất lượng NCKH và giáo dục đại học của Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện khá rõ, thể hiện qua thứ hạng của các trường đại học Việt Nam trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế hàng năm, số các nhà khoa học có ảnh hưởng quốc tế, số công bố quốc tế, số bản quyền công nghệ được công nhận, và các thước đo chất lượng khác, đã tăng lên đáng kể. Đó là dấu hiệu đáng mừng, trong đó có vai trò mang tính “khai sáng” của Quyết định 37.
Nhân đây xin được nói thêm, nếu như không có các điều chỉnh kịp thời và sát thực tế của Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp, thì số lượng GS, PGS của tất cả các ngành sẽ bị hụt hẫng mạnh, trong đó các ngành như ngôn ngữ, lịch sử, tâm lý, xã hội học… còn bị hụt hẫng nữa.
Trong sạch đội ngũ những người làm khoa học
- Theo ông, việc công khai danh sách và lý lịch khoa học của ứng viên và ý kiến phản biện của cộng đồng các nhà khoa học có phải cũng là nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm số lượng hồ sơ ứng viên GS, PGS?
Việc công khai danh sách và lý lịch khoa học của ứng viên có tác dụng minh bạch thông tin, giúp việc xét và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Hội đồng Giáo sư (HDGS) các cấp được khách quan, công bằng và liêm chính hơn trong việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, không ngừng nâng cao “liêm chính học thuật”.
Đồng thời, hạn chế gian lận, góp phần làm trong sạch đội ngũ những người làm khoa học, nâng cao thêm niềm tin xã hội vào các chức danh khoa học, chức danh giảng dạy, ai đó muốn chạy cũng rất khó, vì các thông tin có liên quan đều được "phơi" ra giữa thanh thiên bạch nhật.
Bên cạnh đó, ý kiến phản biện của cộng đồng các nhà khoa học có tác dụng “điều chỉnh hành vi” của cả ứng viên và hội đồng, minh bạch hóa các thông tin liên quan, nâng cao liêm chính học thuật.
Ngoài ra, trong phát triển KH&CN và giữ gìn sự trong sáng, lành mạnh và tử tế của môi trường học thuật thì việc tranh biện công khai của chúng ta mới chỉ bắt đầu, văn hóa tranh biện còn nhiều vấn đề phải bàn để dần có văn hóa tranh biện lành mạnh; nên việc công khai này góp phần hình thành văn hóa tranh biện trong cộng đồng các nhà khoa học, trong xã hội.
- Theo ông giải pháp nào để thay đổi tình trạng này?
Có nhiều giải pháp, nhưng không nên dùng giải pháp hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng GS, PGS cũng như chất lượng tiến sĩ; làm như thế là chúng ta tự tách mình ra khỏi dòng chảy của thời đại, ra khỏi “cuộc chơi” của một thế giới hội nhập.
Tăng đầu tư cho NCKH và giáo dục đại học theo kết quả đầu ra (KPIs) là một giải pháp, giao tự chủ thật sự cho các viện/trường là một giải pháp (độc lập và tự chủ về mô hình và phương thức hoạt đông, độc lập và tự chủ về tổ chức và nhân sự, tự chủ về tài chính và đầu tư…);
Đẩy mạnh thị trường KHCN là một giải pháp; tự do học thuật, phi hành chính hóa, quản lý tài chính hiệu quả và minh bạch, quốc tế hóa cao độ các tổ chức nghiên cứu và đào tạo là một giải pháp;
Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch giữa các cơ sở giáo dục đại học bằng KPIs là một giải pháp; đảm bảo chất lượng “thầy” là một giải pháp (ví dụ, phải có công bố quốc tế ở một mức độ và trình độ nào đó mới được hướng dẫn NCS, mới được ngồi hội đồng, mới được làm phản biện;
Hội đồng Giáo sư cũng vậy, “thầy” phải hơn “trò”, các tiêu chuẩn của “thầy” phải hơn trò về công bố khoa học, về giảng dạy đại học; ít ra là bằng, thì "trò" mới có thể kính trọng, ngưỡng mộ và tin tưởng được “thầy”.
Các giải pháp phải đồng bộ, tạo thành một chỉnh thể, hỗ trợ và nâng tầm lẫn nhau, tạo ra tính “trồi” cho cả hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
- Trân trọng cám ơn ông!