Giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển
Chuyên gia đến từ các khu bảo tồn, các viện nghiên cứu đề xuất nhiều nội dung, giải pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển ở Việt Nam.
Ngày 22/12, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam tổ chức “Hội thảo tham vấn Báo cáo rà soát chính sách nhằm xây dựng Kế hoạch giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển tại Việt Nam.”
Các đại biểu đến từ Chi cục Thủy sản một số tỉnh, thành trong cả nước, ban quản lý khu bảo tồn, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, Cục Kiểm ngư thông tin về các yêu cầu tương đương của Luật Bảo vệ thú biển của Hoa Kỳ tác động đến ngành thủy sản Việt Nam. Báo cáo rà soát quy định và chính sách nhằm xây dựng kế hoạch giảm thiểu đánh bắt không chủ ý rùa biển, thú biển tại Việt Nam.
Các chuyên gia đến từ các khu bảo tồn, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ đề xuất các nội dung, giải pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng khai thác không chủ ý các loài rùa biển, thú biển ở Việt Nam.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, việc khai thác ngẫu nhiên các loài thủy sản bằng ngư cụ khai thác thủy sản được coi là một trong những mối đe dọa chính đối với lợi nhuận và tính bền vững của nghề cá, cũng như đối với đa dạng sinh học biển.
Mỗi năm, trên thế giới có ít nhất 7,3 triệu tấn sinh vật biển bị đánh bắt không chủ ý, thậm chí ở nhiều nơi số lượng bắt không chủ ý còn lớn hơn số lượng đánh bắt loài mong muốn. Các loài thường xuyên bị đánh bắt không chủ ý bao gồm cá mập/cá nhám, rùa biển và các loài thú biển như cá heo, cá voi.
Đây là những nhóm loài được bảo vệ. Việc đánh bắt không chủ ý đã gây hại cho các cá thể, góp phần làm suy giảm quần thể và cản trở quá trình phục hồi quần thể của những loài dễ bị tổn thương.
Các quy định quốc tế như: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Công ước bảo tồn đa dạng sinh học, Công ước CITES, Công ước về bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư (CMS); Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của FAO, Các quyết định của Tổ chức nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương; Đạo luật bảo vệ thú biển của Hoa Kỳ…đều yêu cầu về việc giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là những quy định bắt buộc đối với các quốc gia thành viên.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm ngư, ở Việt Nam hiện nay, khai thác không chủ ý đối với các loài nguy cấp quý hiếm được pháp luật bảo vệ như thú biển, rùa biển, cá mập/cá nhám, cá đuối là một vấn đề phức tạp và chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý, cộng đồng ngư dân và giới khoa học trong nước.
Các quy định bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm chủ yếu mới dừng lại ở việc cấm khai thác chủ động, thiết lập các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nói riêng.
Bà Thẩm Thị Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có nghề cá quy mô nhỏ với đa nghề và đa loài khai thác nên việc khai thác không chủ ý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có thể thường xuyên xảy ra.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm nguồn lợi, ảnh hưởng đến thương mại xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; trong đó tập trung vào nhóm loài rùa biển, thú biển, cả mập/cá đuối đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đáp ứng các yêu cầu quốc tế, các hợp tác song phương, đa phương mà Việt Nam là quốc gia thành viên hoặc chưa phải là thành viên nhưng có hợp tác.
Thời gian qua, Cục Kiểm ngư đã chủ trì, phối hợp cùng tổ chức Humane Society International tại Việt Nam tiến hành những bước đầu tiên trong việc xây dựng kế hoạch giảm thiểu khai thác không chủ ý đối với các loài rùa biển, thú biển, cá mập, cá đuối thông qua việc xây dựng báo cáo rà soát chính sách và các quy định hiện nay tại Việt Nam, kinh nghiệm và các yêu cầu quốc tế trong việc giảm thiểu khai thác không chủ ý nhóm loài này để tiến tới xây dựng kế hoạch quốc gia trong năm 2024./.