Giảm thiểu nguy cơ cháy rừng mùa làm nương

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm chuẩn bị canh tác trên nương của người dân vùng cao. Thời tiết hanh khô; hầu hết diện tích nương của người dân liền kề với rừng, vì thế nguy cơ cháy rừng gia tăng. Vì vậy, phòng chống cháy rừng mùa đốt nương được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ rừng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Điện Biên tuyên truyền kỹ thuật bảo vệ, phòng cháy rừng trong quá trình đốt nương.

Cán bộ kiểm lâm huyện Điện Biên tuyên truyền kỹ thuật bảo vệ, phòng cháy rừng trong quá trình đốt nương.

Tổ tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tổ dân phố 2, thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông hiện có 8 thành viên. Khoảng 2 tháng nay, tần suất tuần tra rừng đang được tổ tăng gấp 2, gấp 3 lần và tần suất này sẽ được duy trì đến tháng 4 bởi nhiều khu vực rừng do tổ dân phố 2 quản lý thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, nhất là khu vực rừng giáp ranh với xã Keo Lôm.

Anh Cháng A Vàng, Tổ trưởng tổ dân phố 2 - thành viên tổ tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng chia sẻ: Tổ dân phố 2 được giao quản lý, bảo vệ hơn 157ha rừng. Để phòng chống cháy rừng mùa khô hanh, nhất là mùa đốt rẫy làm nương các thành viên trong tổ phân công đi tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện những trường hợp đốt dọn thực bì không đảm bảo an toàn phòng cháy. Khu vực giáp ranh với xã Keo Lôm được tăng cường tuần tra do đây là bãi chăn thả trâu, người dân thường xuyên đốt cây bụi cho cỏ mọc nên nhiều nguy cơ cháy lan vào rừng.

Sau Tết Nguyên đán, Trưởng bản Huổi Lóng, xã Na Sang, huyện Mường Chà Vừ A Lọi cùng các thành viên trong tổ bảo vệ rừng của bản lại tất bật hơn với công tác bảo vệ rừng. Bởi ngoài tăng cường tuần tra rừng, các thành viên trong tổ còn tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống cháy rừng cho người dân trong bản.

Trưởng bản Vừ A Lọi tuyên truyền người dân trong bản thực hiện tốt các quy định về bảo vệ rừng.

Trưởng bản Vừ A Lọi tuyên truyền người dân trong bản thực hiện tốt các quy định về bảo vệ rừng.

Trưởng bản Vừ A Lọi chia sẻ: Cả bản có gần 90 hộ thì hộ nào cũng có nương. Để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, những ngày này, tổ bảo vệ rừng của bản đang tích cực tuyên truyền tới người dân các biện pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng cháy rừng trong quá trình đốt nương. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hơn 10 năm nay bản không để xảy ra tình trạng cháy rừng do đốt nương. Hơn 910ha rừng của bản được bảo vệ và phát triển tốt.

Những ngày này, ở hầu hết thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, nhất là địa bàn vùng cao, cùng với tăng cường công tác tuần tra rừng, các tổ bảo vệ rừng còn tích cực tuyên truyền tới người dân các biện pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng cháy rừng trong quá trình đốt nương, bởi đây là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ cháy rừng cao thời điểm này. Theo đó, trước khi đốt nương người dân phải báo trước với trưởng bản. Khi đốt nương cần hạn chế đốt vào những giờ cao điểm nắng nóng như giữa trưa hay đầu giờ chiều, mà nên đốt vào cuối giờ chiều. Đồng thời, phải làm đường băng cản lửa cách bìa rừng ít nhất 4 - 5m; phải đốt từ trên xuống, khi lửa cháy được khoảng 30% diện tích nương thì tiếp tục đốt từ dưới lên. Đặc biệt, người dân phải chờ cho lửa cháy hết mới được rời khỏi nương.

Người dân xã Mường Tùng, huyện Mường Chà phát dọn thực bì trên diện tích rừng được giao quản lý.

Người dân xã Mường Tùng, huyện Mường Chà phát dọn thực bì trên diện tích rừng được giao quản lý.

Ông Trần Đức Quyền, Phó phòng Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm cho biết: Bắt đầu từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 hằng năm là thời gian cao điểm người dân sản xuất trên nương, chuẩn bị đất gieo vụ mới. Hiểu rõ tập quán, thói quen và chu kỳ sản xuất của người dân, bước vào mùa khô, ngoài chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và dụng cụ sẵn sàng chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, tất cả kiểm lâm địa bàn được quán triệt phải bám địa bàn 24/24 giờ các ngày trong tuần để cùng thành viên Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát nhân dân chuẩn bị đất, làm nương. Thông qua đó, người dân nắm bắt và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của rừng, công tác phòng cháy chữa cháy và có ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng.

Mặc dù đã chủ động mọi giải pháp với phương châm “phòng là chính” song diện tích quản lý rộng, địa hình hiểm trở; ý thức bảo vệ rừng của một số người dân còn hạn chế; thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp… là những nguyên nhân khiến công tác bảo vệ rừng mùa khô trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Do đó, cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, tổ bảo vệ rừng các thôn, bản, mỗi người dân, chủ rừng cần thực hiện tốt nội dung cam kết bảo vệ rừng; tuân thủ quy định về quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy rừng mùa làm nương.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/quan-ly-bao-ve-rung/giam-thieu-nguy-co-chay-rung-mua-lam-nuong