Giảm thiểu tác động môi trường trong kinh doanh thương mại điện tử

Doanh thu thương mại điện tử tăng nhanh trong những năm trở lại đây đã đặt ra vấn đề cần phát triển bền vững để bảo vệ môi trường.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch thương mại điện tử ước đạt 13.2 tỷ đô, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và dự kiến năm 2025 quy mô thị trường sẽ tăng lên 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng.

Thương mại điện tử tăng trưởng giúp lưu thông hàng hóa xuyên biên giới cũng như trong nước phát triển nhưng sự tăng trưởng này cũng gây không ít “phiền toái” cho môi trường, đặc biệt là phát sinh lượng lớn bao bì rác thải nhựa dùng để gói hàng và đựng đồ ăn nhanh.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam trong Báo cáo chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023 đã chỉ ra rằng, một trong những tác động tiêu cực lớn nhất của thương mại điện tử tới môi trường là làm tăng lượng rác thải bao bì. Khảo sát cho thấy, có đến 90% thương nhân kinh doanh trong lĩnh vực quần áo, thời trang, phụ kiện sử dụng hộp carton, túi nilon để đóng hàng. Phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nilon bong bóng khí, với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%; hầu hết đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa. Đối với đồ ăn giao nhanh hầu như tất cả bao bì và vật liệu đi kèm như dao, thìa, dĩa… là nhựa. Khối lượng bao bì trung bình cho mỗi đơn đồ uống là 45g và đồ ăn là 63g…

Đối với đồ ăn giao nhanh hầu như tất cả bao bì là nilon

Đối với đồ ăn giao nhanh hầu như tất cả bao bì là nilon

Vì thế, cần có chiến lược trong giảm thiểu tác động môi trường trong kinh doanh thương mại điện tử. Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030 (Kế hoạch) xác định xu hướng phát triển xanh và phát triển bền vững đang trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của thế giới. Phát triển thương mại điện tử chú trọng đến phát triển bền vững, hướng đến tối ưu hóa quá trình từ sản xuất, kinh doanh đến trải nghiệm người tiêu dùng bằng các giải pháp có tác động tích cực và cân bằng giữa ba yếu tố phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng là lực lượng chính trong phát triển thương mại điện tử bền vững, nhà nước có vai trò quản lý, xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử.

Thông tin kỹ hơn về mục tiêu phát triển thương mại điện tử bền vững trong Kế hoạch, ông Hoàng Ninh - Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, mục tiêu trong giai đoạn này sẽ đưa tỷ lệ sản phẩm sử dụng bao bì nhựa giảm xuống tối đa 50%; tỷ lệ sản phẩm sử dụng bao bì là chất liệu có thể tái chế đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn đóng gói xanh đạt ít nhất 50%.

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, từ 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường; giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; tiến tới sau 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Tuy nhiên, Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhiều sàn thương mại điện tử và người kinh doanh chưa chú trọng nhiều đến những quy định này.

Chính vì thế, chuyển đổi, đóng gói bao bì bằng các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường đang là vấn đề cần được các sàn thương mại điện tử và người kinh doanh trực tuyến quan tâm, có kế hoạch và lộ trình thực hiện. Và phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững hướng đến phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường cần có sự phối hợp, chia sẻ, chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-thieu-tac-dong-moi-truong-trong-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-332718.html