Giảm thủ tục, hỗ trợ hợp tác xã giải 'cơn khát' vốn
Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam sẽ nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, quy trình cho vay riêng biệt nhằm giảm thủ tục, rút ngắn thời gian tạo điều kiện cho hợp tác xã sớm tiếp cận nguồn vốn.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Nằm trong chuỗi các hoạt động Tháng hành động vì Hợp tác xã và năm Quốc tế Hợp tác xã 2025, ngày 12/4, tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị Hỗ trợ hợp tác xã tiêu biểu nâng cao năng lực tiếp cận vốn vay, kết nối giao thương và chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Công Bằng-Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho biết: Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nước ta thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, phát triển cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, mục tiêu và yêu cầu từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những tồn lại nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó, chủ yếu là năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, mô hình tổ chức còn nhiều hạn chế, thiếu vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, quá trình chuyển đối số còn chậm, hoạt động xúc tiến thương mại chưa đa dạng về phương thức, tính ổn định chưa cao và chưa thích ứng với yêu cều của thị trường trong thời kỳ mới.
Theo ông Phạm Công Bằng, trong số 100 hợp tác xã tiêu biếu được nhận giải thưởng Ngôi sao hợp tác xã- CoopStar Awards năm 2025, có 16 hợp tác xã với 31 khoản vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xãViệt Nam. Như vậy, vẫn còn hơn 80 hợp tác xã chưa vay vốn từ Quỹ, có những hợp tác xã đã tiếp cận nhưng do cơ chế cho vay của Quỹ trước đây còn bó hẹp cả về đối tượng và phương thức cho vay, chỉ cho vay hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho vay đầu tư; nhiều hợp tác xã chưa có thông tin đầy đủ về hoạt động của Quỹ.
Chính vì vậy, đây là cơ hội để Quỹ và hợp tác xã trao đổi những nội dung chủ yếu, căn bản nhất về quy chế, quy trình và cách lập hồ sơ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam. Đặc biệt là đưa ra giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.

Ông Bùi Ngọc Toản- Trưởng phòng Tín dụng Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam chia sẻ về quy định chung hoạt động cho vay vốn của Quỹ. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh đó là kết nối giao thương; tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng một số phần mềm quản trị hiện đại, thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội để tối ưu hóa quy trình vận hành, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động cho hợp tác xã.
"Tới đây, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam sẽ nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, quy trình cho vay riêng biệt nhằm giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt, tạo điều kiện cho hợp tác xã sớm tiếp cận nguồn vốn" ông Phạm Công Bằng khẳng định.
Chia sẻ về mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận, ông Bùi Ngọc Toản, Trưởng phòng tín dụng Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam chỉ rõ: Các gói vay tại Quỹ đang có lãi suất rất hấp dẫn. Cụ thể, với khoản vay ngắn hạn lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ từ 4%/năm và 4,6%/năm với các lĩnh vực khác. Trong khi đó với các khoản vay trung hạn lĩnh vực ưu tiên có lãi suất 4,7%/năm, còn lĩnh vực khác là 5,2%/năm. Đối với khoản vay dài hạn là 4,7%/năm và 5,2%/năm với lần lượt lĩnh vực ưu tiên và lĩnh vực khác. Đáng chú ý, lãi suất cho vay tại Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam được cố định trong suốt thời hạn vay với các khoản vay ngắn và trung hạn; khoản vay dài hạn được cố định trong 5 năm đầu tiên, sau 5 năm được xác định theo lãi suất vay vốn trung, dài hạn đang áp dụng tại thời điểm điều chỉnh.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chia sẻ: Với lợi thế là ngân hàng thương mại hoạt động chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp nông thôn, Agribank luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung. Hơn nữa, Agribank đã ban hành quy chế về tín dụng riêng cho hợp tác xã; trong đó, đặc biệt dành nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng là hợp tác xã.
Với những nỗ lực trong việc chuyền tải nguồn vốn đến các hợp tác xã, tính tới cuối quý 1/2025, dư nợ cho vay hợp tác xã tại Agribank đạt 1.916 tỷ đồng, tăng 2,6%, tương đương 48 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Trong số đó, hợp tác xã nông lâm thủy sản 433,6 tỷ đồng; hợp tác xã công nghiệp chế biến, chế tạo 341,8 tỷ đồng; hợp tác xã xây dựng 222,7 tỷ đồng. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc cấp tín dụng cho các hợp tác xã còn gặp khá nhiều khó khăn bởi đa số hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc, không có nhà xưởng, kho chứa đủ khả năng bảo quản. Đi liền đó, các hợp tác xã cũng thường không có tài sản bảo đảm để vay vốn hoặc thế chấp bằng tài sản của xã viên nên việc xứ lý tài sản bảo đảm khi cần thiết gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh và trình độ lao động của hợp tác xãcòn nhiều hạn chế. Nhiều hợp tác xã chưa đáp ứng về vốn đối ứng và hệ thống báo cáo tài chính chưa hoàn thiện, phương án vay vốn kém khả thi, chưa minh bạch về tài chính, dòng tiền, không có hóa đơn chứng từ, hạch toán, kế toán chưa đúng quy định của pháp luật. Không những thế, các hợp tác xã có ít vốn đầu tư công nghệ và chưa chủ động được đầu ra, chưa xây dựng được thương hiệu và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền chặt nên bị cạnh tranh mạnh từ khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, quy mô sản xuất kinh doanh và lĩnh vực hoạt động còn hẹp, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp, chủ yếu thực hiện một số dịch vụ đầu vào đơn giản cho sản xuất nông nghiệp, chưa hỗ trợ cho việc gia tăng sản lượng và giá trị của sản xuất nông nghiệp.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giam-thu-tuc-ho-tro-hop-tac-xa-giai-con-khat-von/369779.html