Giám tuyển Ace Lê: Thị trường tranh đang trong khoảng lặng cần thiết
Ở phiên đấu giá trong tháng 6 vừa qua của nhà Sotheby's Paris, bức sơn dầu 'Les Chanteuses de Campagne' (Người hát dân ca) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được gõ búa với mức giá 1,02 triệu EUR (khoảng 1,09 triệu USD).
Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện cùng giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê, Giám đốc điều hành Sotheby’s tại Việt Nam, về nội tại của thị trường tranh Việt.
* PHÓNG VIÊN: Theo anh, bức tranh triệu USD mở màn trong năm 2024 này có đủ lạc quan để các nhà sưu tập, công chúng yêu mến hội họa đặt niềm tin rằng thị trường nghệ thuật Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng “ảm đạm” trong gần 2 năm qua?
* Giám tuyển ACE LÊ: Số lượng tranh Việt triệu USD đạt đỉnh cao vào giai đoạn 2020-2021. Năm 2020, chúng ta có 4 tác phẩm đạt khung giá triệu USD, năm 2021 là “đỉnh” với 9 tác phẩm, đến năm 2022 chỉ có 3, năm 2023 giảm xuống 2, và năm 2024 tính đến hiện tại mới chỉ có 1 tác phẩm. Việc giá tranh phân khúc cao thời gian qua chững lại phản ánh hiện trạng kinh tế của toàn thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng.
Trong giai đoạn này, có những tác phẩm từ Trung Quốc và Đông Nam Á với giá trị mỹ thuật cao nhưng giá giảm từ 20%-50% so với mặt bằng chung của vài năm trước. Tuy nhiên, với những nhà sưu tập hoặc nhà đầu tư vẫn còn tài nguyên dư thừa, đây lại là thời điểm “vàng” để “bắt đáy” thị trường. Vì nguồn cung cho các tác phẩm này vẫn sẽ luôn ở mức giới hạn, khi kinh tế hồi phục, chắc chắn cầu sẽ lại vượt cung nhiều lần, và việc những kỷ lục giá được thiết lập tiếp sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Một điều đáng mừng là từ năm 2019 đến nay, năm nào thị trường cũng có ít nhất 1 giao dịch gõ búa triệu USD. Đây có thể xem là những tín hiệu khả quan trong bối cảnh khó khăn chung. Thị trường tranh Việt đã tăng trưởng dần đều trong 20 năm qua, và khoảng lặng hiện nay là một giai đoạn cần thiết để thị trường thanh lọc những trường hợp phá giá, định giá ảo, tiến đến tốc độ tăng trưởng bền vững hơn khi chiếu theo tầm nhìn xa.
* Từ góc nhìn của Giám đốc thị trường Việt Nam của Sotheby’s, anh có những dự đoán gì cho thị trường nghệ thuật Việt trong 2 quý cuối năm nay?
* Thị trường nghệ thuật cao cấp vốn thuộc phân khúc xa xỉ phẩm, và nó liên quan mật thiết tới tệp khách hàng ở đỉnh kim tự tháp kinh tế. Sau những biến động lớn về kinh tế trong nước và quốc tế trong 2 năm hậu Covid-19 vừa qua, có lẽ phải từ năm 2025 trở đi, thị trường tranh Việt mới bắt đầu hồi phục theo đà của dự toán tăng trưởng kinh tế nói chung.
Nhìn rộng ra khu vực, thật ra kỷ lục 3 triệu USD cho bức tranh “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ hay 1 triệu USD cho bức tranh “Người hát dân ca” của Nguyễn Phan Chánh vẫn còn thấp so với các danh họa hiện đại ở Đông Nam Á. Thị trường nghệ thuật của Việt Nam vẫn đi sau Indonesia hoặc Philippines về nhiều mặt, chứ chưa nói đến Singapore hay Trung Quốc. Với sự tham gia của người chơi cả ở Việt Nam lẫn trong khu vực, tôi dự đoán rằng tranh Đông Dương sẽ còn tiếp tục tự phá kỷ lục giá.
* Qua các phiên đấu giá gần đây cho thấy tranh của các danh họa Đông Dương sống ở nước ngoài như bộ tứ Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm không quá hiếm, nhưng tranh của các họa sĩ Đông Dương sống trong nước thì ít hơn. Có phải thị trường đang “đuối sức” trong việc tìm kiếm nguồn tác phẩm để đa dạng trong các phiên đấu giá?
* Điều này đúng một phần. Một lý do lớn không phải là vì tranh Phổ - Thứ - Lựu - Đàm được đánh giá cao hơn về tầm quan trọng đối với lịch sử mỹ thuật, mà là các tác phẩm ở hải ngoại thường được bảo quản tốt hơn, với nguồn gốc rõ ràng, lai lịch và lịch sử trao tay được ghi chép minh bạch, không khó để kiểm chứng.
Trong khi đó, các tác phẩm trong nước phải trải qua thăng trầm của chiến tranh liên tiếp, dẫn tới mất mát, hỏng hóc, và nhất là lai lịch bị đứt đoạn. Tiêu biểu như Nguyễn Phan Chánh, người chưa từng rời Việt Nam nhưng do yếu tố lịch sử, bức “Người hát dân ca” của ông lại được bảo quản kỹ càng tại một gia đình ở miền quê nước Pháp trong gần một thế kỷ qua. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng để bức tranh đó được gõ búa hơn triệu USD.
* Theo anh, hội họa kháng chiến, hay “hậu Đông Dương”, liệu có tiềm năng làm nên những kỷ lục triệu USD trong tương lai?
* Thực tế là, phần lớn thanh khoản thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn đang dồn vào phân khúc Đông Dương. Các tác phẩm ấy đã trải qua phép thử thời gian nên giá trị đã được chứng thực. Mỗi lần tranh Đông Dương phá kỷ lục giá là một lần truyền thông đưa tin rầm rộ, củng cố ham muốn được sở hữu chúng trong tệp khách hàng thượng lưu trong nước.
Trong khu vực, các nhà sưu tập ở Đông Nam Á rất thích chủ đề Đông Dương vì họ cũng từng song song chia sẻ một lịch sử thuộc địa với nước ta. Còn các nhà sưu tập ở khối đồng văn (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore) thì rất thích mỹ cảm của tranh Đông Dương, vốn là một sự kết hợp giữa cả Tây phương họa và Đông phương họa.
Ngoài lứa họa sĩ Đông Dương, đã có một số tên tuổi họa sĩ kháng chiến, hậu hiện đại, thậm chí là đương đại, xuất hiện trên các phiên đấu giá quốc tế trong những năm gần đây, như Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hòa...
Theo nhận định của tôi, nhóm danh họa Đông Dương sẽ vẫn nằm trong nhóm tạo kỷ lục giá. Nhưng 10-20 năm nữa, khi đã có đủ khoảng lùi, việc xuất hiện những tên tuổi mới là xu thế tất nhiên. Có rất nhiều danh họa quan trọng không kém lứa Phổ - Thứ - Lựu - Đàm nhưng chưa được chú ý xứng đáng, và tranh của họ sẽ dần dần lộ diện trong thời gian tới. Có thể kể đến nhóm họa sĩ Pháp tới Đông Dương, hay nhóm họa sĩ trường vẽ Gia Định, vốn được thành lập trước cả Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngoài Bắc.
Giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê tốt nghiệp Thạc sĩ về Nghiên cứu Bảo tàng và Giám tuyển Nghệ thuật; Thạc sĩ về Báo chí và Truyền thông tại Nanyang Technological University, Singapore; Cử nhân Quản trị Kinh doanh tại National University of Singapore.