Giám tuyển Shireen Naziree - người đặc biệt yêu mến hội họa Việt Nam
'Triển lãm tôn vinh giám tuyển Shireen Naziree' sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ ngày 23 - 29.7, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và Đông Nam Á.
Người có “con mắt xanh”
Shireen Naziree là một giám tuyển độc lập, nhà nghiên cứu mỹ thuật có ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á. Bà có nhiều thập niên gắn bó với hội họa Đông Nam Á, hoạt động không mệt mỏi vì sự phát triển, hội nhập quốc tế của nghệ thuật khu vực này, nhất là những năm 1990 và những năm đầu thế kỷ XXI, cho tới khi bà đột ngột qua đời năm 2018.
Shireen Naziree có 2 nhiệm kỳ là thành viên Hội đồng nghệ thuật Bảo tàng quốc gia Malaysia và là giám tuyển thường xuyên cho Gallery Petronas ở Kuala Lumpur. Công việc của một nhà giám tuyển thực hành quốc tế giúp Shireen Naziree có mối quan hệ thân thiết với nhiều nghệ sĩ hàng đầu của mỹ thuật Đông Nam Á cũng như tương tác với các tổ chức nghệ thuật ở châu Âu. Những bài viết của bà về thực hành nghệ thuật trải dài từ nghệ thuật truyền thống tới đương đại, tập trung vào Malaysia, Myanmar và Việt Nam.
Uy tín quốc tế của Shireen Naziree trong vai trò giám tuyển nghệ thuật và nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật thể hiện trước hết ở khía cạnh bà có "con mắt xanh", đã nhìn nhận, phát hiện ra nhiều tài năng ngay từ khi họ mới hoặc bắt đầu sự nghiệp, hoặc còn đang loay hoay, hoang mang với những tìm tòi thử nghiệm chưa có điểm dừng.
Chính "con mắt xanh" đặc biệt đã giúp Shireen thiết lập được tình bạn thân thiết và lâu dài với nhiều nghệ sĩ. Hơn cả mối quan hệ cộng sinh giữa một giám tuyển - nhà phê bình với nghệ sĩ, Shereen Nazireen thực sự là bạn, là tri kỷ, là một trong những điểm tựa thúc đẩy sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ thăng tiến.
Nhiều nghệ sĩ, qua quá trình nghiên cứu, làm việc của Shireen Nazireen, qua những bài viết của bà, nghệ thuật của họ đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia của chính họ, tới thị trường nghệ thuật quốc tế...
Đặc biệt yêu mến hội họa Việt Nam
Shireen Naziree đặc biệt yêu mến hội họa Việt Nam. Lịch sử lâu dài, phong phú và nổi bật của nghệ thuật Việt Nam tạo cho bà nhiều cảm hứng để khám phá, nhất là nghệ thuật thời kỳ Đổi mới. Bà đã làm việc, giới thiệu, giám tuyển cho nhiều nghệ sĩ Việt Nam, mà nhiều trong số họ hiện đã thành danh như: Lê Quảng Hà, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Phạm An Hải, Trịnh Tuân, Đinh Quân, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Đào Hải Phong, Đinh Ý Nhi, Nguyễn Thị Châu Giang... Nhiều nghệ sỹ Việt Nam vẫn lưu giữ, trân trọng quãng thời gian làm việc cùng Shireen Naziree.
Ý tưởng về một triển lãm quy tụ các họa sỹ từng làm việc với Shireen đã được lên kế hoạch không lâu sau khi bà đi xa. Trải qua nhiều khó khăn, nhất là gian đoạn dài dịch bệnh hoành hành, đến nay “Triển lãm tưởng nhớ Shireen Naziree” mới chính thức ra mắt, với nỗ lực không mệt mỏi của Blue Gallery (Việt Nam), mà chủ nhân là chị Nguyễn Thu Hằng, cùng sự phối hợp của Jorn Mideborg từ Thavibu Art Advisory (Thái Lan).
Chị Nguyễn Thu Hằng chia sẻ: “Lớp bụi thời gian đã phủ mờ tất cả hình ảnh, kỷ niệm, làm khuất lấp trong sự chồng xếp hỗn độn cảm xúc của mỗi người. Nhưng khi nhẹ tay gạt đi lớp bụi ấy, tất cả vẫn hiện hữu sống động. Một Shireen Naziree, con người đã gắn bó và làm việc hết mình vì nghệ thuật Việt Nam đương đại, như vẫn như ở đâu đây, trong di sản sự nghiệp không hề nhỏ của bà”.
Triển lãm quy tụ được 44 tác phẩm hội họa của 21 tên tuổi hàng đầu nghệ thuật Đông Nam Á, gồm 17 họa sĩ Việt Nam như Thành Chương, Đinh Quân, Nguyễn Thị Châu Giang, Đào Hải Phong, Hà Trí Hiếu…; 2 họa sĩ nổi tiếng Thái Lan Jirapat Tatsanasomboon và Santi Thongsuk; 2 họa sĩ nổi tiếng Myamar Aung Kyaw Htet và U Lun Gywe. Đây đều là những người mà Shireen đã gặp gỡ, kết thân cũng như trợ giúp trên con đường nghệ thuật của mình.
Triển lãm là để nhắc nhớ và chia sẻ những hồi ức về Shireen Naziree - nữ giám tuyển đặc biệt của nghệ thuật Đông Nam Á; ghi nhận đóng góp của bà đối với mỗi cá nhân họa sĩ nói riêng và nghệ thuật khu vực nói chung.
Cùng với triển lãm này còn có cuốn sách tập hợp những bài viết Shireen về các họa sĩ, với mong muốn đem đến hình dung tổng thể những đánh giá nhận xét của bà về nghệ thuật Việt dưới tư cách một người nghiên cứu và giám tuyển độc lập ở tầm quốc tế.