Giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội: Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Bằng việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội ngày 1-12-2015) đã đem đến nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là số điểm cũng như thời gian ùn tắc giao thông giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu bằng các giải pháp căn cơ, quyết liệt.

Nhiều dự án giao thông cấp bách trên địa bàn thành phố được triển khai theo cơ chế đặc thù nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Trong ảnh: Cầu vượt Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong khu vực. Ảnh: Đỗ Tâm

Ùn tắc giao thông giảm đáng kể

Nút “thắt cổ chai” tồn tại suốt 23 năm tại khu vực nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên đã được xóa bỏ sau khi đưa vào sử dụng cầu vượt vào cuối tháng 8-2020. Đây chính là một trong những minh chứng điển hình của kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án giao thông cấp bách trên địa bàn thành phố được triển khai thời gian qua theo cơ chế đặc thù nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đã phát huy hiệu quả, như các dự án mở rộng và xây dựng: Cầu Trung Tự và nút giao Phạm Ngọc Thạch; cầu vượt Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao An Dương Vương - đường Thanh Niên; cầu vượt nút giao Cổ Linh…

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chỉ là một trong các nhóm giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; điều chỉnh, tổ chức giao thông phù hợp với điều kiện hạ tầng và lưu lượng phương tiện tại từng thời điểm nhằm tối ưu hóa khả năng thông qua; cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên một số tuyến đường vào giờ cao điểm... Các công trình trọng điểm trước khi thi công đều được các sở, ngành thẩm định, phê duyệt phương án tổ chức giao thông nhằm tránh xáo trộn và hạn chế ùn tắc…

Ngoài ra, thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh; sắp xếp luồng tuyến vận tải tại các bến xe nhằm hạn chế xe liên tỉnh vào nội đô và giảm ùn tắc trên tuyến đường Vành đai 3… Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, số điểm ùn tắc giao thông giảm dần. Nếu cuối năm 2015, toàn thành phố còn 44 điểm ùn tắc thì năm 2017 giảm còn 37 điểm và đến nay chỉ còn 30 điểm (vượt chỉ tiêu là đến cuối năm 2020 giảm còn tối thiểu 40 điểm).

Cũng như nhiều người dân Thủ đô, ông Lê Đức Phong (tập thể Nhà máy Nước Bạch Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa) đánh giá, không chỉ số điểm mà thời gian ùn tắc giao thông cũng đã giảm nhiều. Qua theo dõi cho thấy, những nơi xảy ra ùn tắc, lực lượng chức năng thường xuyên có mặt để phân luồng hướng dẫn giao thông giúp phương tiện di chuyển thuận lợi hơn.

Đồng bộ các nhóm giải pháp

Việc cắm biển hạn chế phương tiện vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Tuấn Khải

Đánh giá cao kết quả giảm ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội, song các chuyên gia cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nhóm giải pháp căn cơ thì tình trạng ùn tắc giao thông mới được hóa giải. Thực tế, do lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, cộng với một số công trình trọng điểm sử dụng một phần lòng đường khi thi công đã làm phát sinh điểm ùn tắc mới.

Theo Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành, để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội cần sớm thực hiện đề án thu phí phương tiện giao thông cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc; phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng; tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng để thay thế phương tiện cá nhân và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm đạt được sự đồng thuận của người dân. Cùng quan điểm, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, đây là những giải pháp tất yếu trong quá trình phát triển. Đặc biệt, chủ trương này cần được thực hiện theo lộ trình, với sự chung tay của người dân vì lợi ích chung.

Một trong những yêu cầu quan trọng của Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 là hằng năm xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới. Để đạt mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, như: Huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ các tuyến đường vành đai, trục đường hướng tâm, các cầu qua sông và các tuyến đường có tính chất liên vùng...; tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp tình hình thực tế.

Cùng với đó, thành phố cũng phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm...

Hy vọng, với việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện các giải pháp căn cơ, đồng bộ, từ cơ chế, chính sách, quy hoạch đến đầu tư hoàn thiện hạ tầng, quyết liệt giảm phương tiện cá nhân... vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô sẽ sớm được hóa giải.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/983784/giam-un-tac-giao-thong-tren-dia-ban-ha-noi-quyet-liet-thuc-hien-cac-giai-phap