Giản dị và nhân cách
Khi đọc những tấm gương về nếp sống giản dị, hầu hết chúng ta đều trầm trồ thán phục. Người ta cũng thường hay nói về sự giản dị như là một điều tốt đẹp cần nên làm trong cuộc sống.
Thế nhưng tại sao ít ai chọn lối sống giản dị? Cái điều tưởng chừng như dễ làm nhất lại là điều khó làm nhất.
Dễ làm bởi vì nó không phải tốn kém gì cả, cũng không vất vả tìm kiếm đâu xa, không mạo hiểm đánh đổi tính mạng hay phải đối diện với nguy cơ nào. Việc duy nhất mà chúng ta làm là tối thiểu hóa sở hữu vật chất. Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện về những người mà sở hữu vật chất của họ gần như không có gì, chỉ vừa đủ để họ… không chết.
Chuyện kể rằng Diogene chỉ sở hữu có một cái bát mà ông cho rằng cần phải có để múc nước uống. Một hôm ông chợt nhìn thấy một người cúi xuống sông và bụm hai bàn tay lại để lấy nước uống. Thế là vị triết gia Hy Lạp cổ đại ấy quăng luôn cái bát vì thấy nó không còn cần thiết nữa.
Trong chúng ta đây, ai có thể làm được điều này? Chúng ta không làm được không hẳn là vì chúng ta sợ đói mà là vì chúng ta sợ người khác coi thường mình, sợ người khác không kính nể mình. Chúng ta có nhu cầu khẳng định bản thân và khát khao được người khác biết đến mình, kính nể và ngưỡng mộ mình. Và cái cách an toàn để được điều đó là phải sở hữu thật nhiều tài sản, vì khuynh hướng tâm lý của con người nói chung là ham lợi và đề cao vật chất. Vị trí và giá trị của một người tùy thuộc vào số tài sản họ có. Và cũng chỉ gần gũi với người giàu có thì người ta mới kiếm được lợi. Rồi như một mặc định chung của cuộc sống, người giàu thì được nể nang và thu hút nhiều người bên cạnh họ.
Những người khẳng định bản thân hoặc tìm kiếm sự ngưỡng vọng của người khác bằng vật chất, thoạt nhìn ta tưởng đâu họ là người có bản lĩnh, có cá tính. Nhưng xét kỹ thì họ rất yếu đuối và bình thường như số đông trong xã hội. Chỉ có những người thật sự can đảm mới đủ sức mạnh để sống một cách giản dị, vì họ không chạy theo số đông, không chịu sự chi phối của số đông, không bị tác động bởi đánh giá của số đông và nhất là không cần sự ngưỡng vọng của số đông.
Có lần tôi dự buổi họp mặt cựu Tăng Ni sinh của trường. Tôi thấy ai cũng đi xe xịn, chỉ có mình tôi là đi chiếc Cub 50 cũ kỹ. Đến khi gặp nhau hỏi thăm thì gần như ai cũng thành đạt. Người thì trụ trì, người thì có địa vị trong Giáo hội hoặc có cái này cái kia. Khi hỏi tôi hiện nay làm gì rồi, tôi trả lời là còn đi học. Họ cười vui nói học gì học hoài vậy với thái độ không được nể nang bằng những người kia. Trong một hoàn cảnh như vậy, tôi tự dặn lòng mình là không được dao động, không nên cảm thấy tủi thân hay xấu hổ vì thua bạn bè, bởi vì giá trị của con người, sự hơn thua không phải là những cái bên ngoài đó. Phải can đảm đi theo con đường mà mình tin tưởng.
Khoe khoang là đặc tính chung của hầu hết mọi người nếu chưa có sự rèn luyện. Không kể những người khoác lác, mình dở mà nổ với mọi người là mình giỏi, ngay cả những người giỏi thật sự, nếu không có ý thức tu tập thì cũng khó mà kìm hãm cái bản ngã của mình. Ví dụ khi nói chuyện với mọi người, dù mình không tự nói mình là tiến sĩ hay trưởng ban gì đó, nhưng nếu có ai trong đó biết mà nói ra, mà mình cảm thấy tự hào, thì cái tự hào đó chính là bản ngã, rằng mình được như vậy, mình hơn người khác. Cho đến khi nào chúng ta thấy rằng dù mình có địa vị, học vị, hay tiền bạc mà mình vẫn thấy đó là bình thường, không thấy mình hơn người khác thì lúc đó mình mới dám phần nào nhận là đệ tử của Phật mà không hổ thẹn.
Sự giản dị tưởng chừng như rất đơn giản ai cũng có thể làm được nhưng sự thật là có rất ít người làm được. Mấy ngàn năm lịch sử nhân loại, những người có cuộc sống giản dị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại sao vậy? Câu trả lời có lẽ nằm ở mỗi người, rằng chúng ta đang sống cao sang hay giản dị, và tại sao ta không thể sống giản dị? Chỉ có điều ta thấy rằng những người được xem là nhân cách lớn của nhân loại từ xưa đến nay, chưa bao giờ là người sống ngập tràn trong vật chất xa hoa.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/gian-di-va-nhan-cach-post47006.html