Gian khổ nhưng thắm đượm nghĩa tình
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hà Cừ, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương công tác ở Báo Hải Dương trong 33 năm đến khi nghỉ hưu, trong đó hơn 16 năm làm quản lý.
Dù đã nghỉ hưu 10 năm có lẻ nhưng nhà báo Hà Cừ (bút danh Hà Khánh Nguyên) vẫn tâm huyết với nghề, quan tâm theo dõi tờ báo. Sau đây là vài kỷ niệm được ông chia sẻ.
Năm 1976, tôi về làm việc tại Báo Hải Dương, lúc này tờ báo ra mỗi tuần 2 kỳ vào thứ tư và thứ bảy, gồm 4 trang khổ nhỏ 27x42cm. Trải qua nhiều công việc của trợ lý Thư ký tòa soạn như họa sĩ trình bày, vẽ tranh minh họa, cổ động, tranh vui rồi sáng tác ca dao, biên tập chuyên mục… tôi lại được lãnh đạo tin tưởng cử đi làm phóng viên. Thời bao cấp thiếu thốn, phương tiện đi lại của phóng viên là chiếc xe đạp. Mỗi lần về cơ sở công tác là phải đi vài ngày. Mỗi chuyến như thế, chúng tôi thường thu thập đủ tư liệu để viết gần gọn một trang báo, thậm chí là số báo với nhiều thể loại tin, bài phản ánh, phóng sự, xã luận, gương người tốt, việc tốt… Thời đó báo in khổ nhỏ, mỗi trang báo chia làm 50 ô, mỗi ô 50 chữ, cả tờ báo vỏn vẹn gần 1 vạn chữ. Vì vậy, phóng viên phải chọn vấn đề để viết sao cho đúng, đủ, ngắn gọn mà hiệu quả, nhằm bảo đảm yêu cầu thông tin cao nhất của tờ báo. Nhờ quá trình “đếm ô, đếm chữ” đó, mỗi phóng viên rèn luyện được cách làm việc, yêu cầu của từng trang mục và từ đó trở thành những phóng viên cứng cáp.
Trải qua thời khó khăn, thiếu thốn, kỷ niệm về những bữa cơm thời bao cấp đi theo thế hệ chúng tôi cả cuộc đời. Thời mới thành lập, báo ở chung với các cơ quan của Tỉnh ủy và ăn cơm tập thể. Khi đến giờ ăn, mỗi người một chiếc bát, một đôi đũa vui vẻ gọi nhau xuống nhà ăn. Mỗi bàn từ 4-5 người, ăn chung một nồi cơm được chị cấp dưỡng xới sẵn, thức ăn ít ỏi, khi ăn thường ý tứ nhìn nhau để ăn vừa đủ phần của mình. Từ đó cũng hình thành tình đoàn kết, đồng lòng, đồng nghiệp yêu thương, san sẻ cho nhau như người thân trong gia đình. Không chỉ tình cảm đồng nghiệp, tình cảm giữa nhà báo và cơ sở cũng sâu sắc không kém.
Thời bao cấp phóng viên đi công tác vài ngày là chuyện thường. Những chuyến đi như thế, anh em phóng viên thường mang theo tiền và tem gạo để không phiền hà cơ sở. Có lần trời mưa, về công tác ở xã Thanh Bính cũ (Thanh Hà), đến nơi, cả người cả xe đều lấm lem bùn đất, giữa đường nhiều lần phải dùng que gạt bùn đất dính vào bánh xe mới đi được. Khi làm việc xong, Chủ nhiệm HTX ân cần mời nhà báo về nhà dùng cơm cùng Bí thư, Chủ tịch xã. Bình thường, gia đình ăn cơm dưới đất, nhưng có khách quý, chủ nhà thịnh soạn mời khách ngồi ăn cơm trên giường. Bữa cơm có đĩa thịt gà luộc, bát canh lòng mề và bánh đa xào. Hồi đó thế đã là vô cùng tươm tất. Khi về, phóng viên đưa tiền và tem gạo cho chủ nhiệm nhưng ông không lấy tiền mà chỉ xin nhà báo chiếc tem gạo để khi nào có dịp lên huyện họp thì mua bánh mì cho con. Sau này, dù ăn nhiều bữa cơm sang trọng, đầy đủ hơn nhưng kỷ niệm về những bữa cơm thiếu thốn, nhường nhịn nhau ngày bao cấp với đồng nghiệp và cơ sở tôi vẫn không thể nào quên.
Một trong những kỷ niệm về nghề báo mà tôi tâm đắc nhất là chuyện làm báo Tết. Kỷ niệm này tôi đã viết thành phóng sự “Đi đặt bài báo Tết” in trên báo Xuân Giáp Tuất 1994. Đấy là cuối tháng 11, tôi đi Hà Nội, tìm đến những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học nổi tiếng như nhà báo lão thành Trần Minh Tân, nhà văn Tô Đức Chiêu, nhà viết kịch Học Phi, giáo sư Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học), các nhà văn Đào Vũ, Lê Lựu, nhà thơ Trần Đăng Khoa… để lấy bài báo Tết. Chuyến đi này đã để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Từ sáng đến chiều, tôi ghé thăm hết lượt các địa chỉ và ai cũng xởi lởi, vui mừng khi thấy nhà báo từ quê hương đến. Có người đưa bản thảo, có người hẹn gửi về sau, có người còn dặn với: “Báo còn nghèo, đừng gửi nhuận bút, gửi báo biếu cho mình là quý rồi”…
Những kỷ niệm đó không chỉ thể hiện tấm lòng của các nhà thơ, nhà báo, nhà khoa học với quê hương mà còn là tấm lòng của đội ngũ cộng tác viên gắn bó với tờ báo quê nhà.
VIỆT QUỲNH (ghi)
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/gian-kho-nhung-tham-duom-nghia-tinh-188051