Gian lận thương mại đang là mối lo lớn
Nhiều ngành hàng trong nước đã và đang lọt vào 'tầm ngắm' của các nước do lo ngại vấn đề xuất xứ. Chuyên gia thương hiệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Vũ Xuân Trường cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường giám sát hàng hóa có nguy cơ cao chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ hàng hóa. Trường hợp gian lận phải xử phạt thật nặng theo giá trị, tỷ lệ lô hàng để doanh nghiệp không dám vi phạm nữa.
Nhiều hệ lụy
PV: Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện ra vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu chờ xuất khẩu sang Mỹ và các nước, ước tính giá trị khoảng 4,3 tỷ USD. Từ vụ việc này, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề gian lận thương mại trong giai đoạn hiện nay?
Chuyên gia Vũ Xuân Trường.
Ông Vũ Xuân Trường: Thực tế, gian lận xuất xứ hàng hóa đang là mối lo ngại lớn đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế thương mại nói chung. Không chỉ vụ việc này mà nhiều ngành hàng của Việt Nam đã và đang lọt vào “tầm ngắm” của các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, do lo ngại vấn đề xuất xứ. Những vụ việc gian lận thương mại như trên sẽ vô tình làm các đối tác nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng vệ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của hàng hóa từ Việt Nam.
Hơn nữa, nhiều vụ việc xảy ra như trên vô hình trung gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín các mặt hàng sản xuất cùng chủng loại trong nước. Ðồng thời, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam có nguy cơ mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Có thể nói, điều này không chỉ khiến doanh nghiệp Việt thua thiệt trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức cạnh tranh của ngành hàng trong nước.
Điều nguy hại nữa là Việt Nam có thể bị biến thành thị trường phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu chiến lược nếu không có giải pháp căn cơ chống hàng lẩn tránh xuất xứ, điều tra chống bán phá giá, điều tra việc trợ cấp từ Chính phủ các nước.
Thời gian qua, mặc dù chúng ta đã cảnh báo rất nhiều nhưng tình trạng gian lận thương mại vẫn diễn ra, thậm chí ngày càng phức tạp với quy mô lớn hơn. Ông lý giải sao về hiện tượng này?
Trên địa bàn cả nước, tình trạng gian lận thương mại đang diễn ra trên các tuyến, ngày càng phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Ngày càng nhiều mặt hàng ở Việt Nam bị bóc mẽ, cáo buộc có xuất xứ Trung Quốc nhưng “đội lốt” hàng Việt và đang trở thành mối lo ngại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Điều này dễ hiểu khi Việt Nam ngày càng phát triển, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng.
Song song với đó là sự xuất hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân làm ăn bất chấp, vi phạm trắng trợn, lợi dụng sự sơ hở của pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước để trục lợi. Trong khi đó, cơ chế chính sách còn những kẽ hở, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Xử phạt thật nặng
Kẽ hở mà ông vừa nói đến là gì?
Thuế nhập khẩu của các nước đối với hàng hóa Việt Nam giảm mạnh hoặc không đánh thuế với một số hàng hóa, vì Việt Nam ký 13 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây là một lợi thế nhưng cũng chính là điểm bất lợi để các nước khác lợi dụng. Bên cạnh đó, hàng giả và hàng lậu từ bên kia biên giới, nhập lậu theo đường mòn, lối mở vào Việt Nam qua biên giới trong nhiều năm diễn biến hết sức khó lường và khó kiểm soát. Trong khi đó, việc quản lý hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ từ các nước vào Việt Nam vẫn đang là vấn đề nan giải.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Việc xử lý trách nhiệm cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu đơn vị, địa phương để xảy ra gian lận thương mại phức tạp, kéo dài còn chưa được xử lý triệt để. Lực lượng chống gian lận thương mại còn mỏng, trang thiết bị thiếu; một bộ phận cán bộ, công chức, chiến sỹ thiếu tinh thần trách nhiệm, tha hóa, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, tiếp tay cho đối tượng gian lận thương mại.
Hơn nữa, sự chủ động vi phạm luật pháp, lách luật của các đối thủ ngày càng tinh vi hơn đã khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trong các cuộc đấu trí về thương mại với các nước lớn. Nhiều doanh nghiệp trong nước, do cạnh tranh bằng giá, đã tiến hành yêu cầu đối tác Trung Quốc gia công hàng hóa rẻ, kém chất lượng và nhập khẩu vào Việt Nam hoặc bán sang các quốc gia khác, gây ra việc nghi ngờ, mất niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh.
Ông có thể nêu ví dụ cụ thể?
Có thể nói lỗ hổng lớn nhất nằm trong Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu. Văn bản này không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định. Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện, cụm chi tiết về Việt Nam chỉ cần lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gian lận khi xuất khẩu.
Theo ông cần giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
Trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa. Tăng cường giám sát hàng hóa có nguy cơ cao chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số hồ sơ, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa; đảm bảo phải phù hợp với tên hàng, mã số hồ sơ xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trường hợp gian lận phải xử phạt thật nặng theo giá trị, tỷ lệ lô hàng, phạt làm sao để doanh nghiệp không dám vi phạm nữa.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp không vì cái lợi trước mắt mà bao che, tiếp tay cho hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam, chủ động tố giác các hành vi vi phạm. Đồng thời, xử phạt nặng các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có hành vi nhập hàng hóa Trung Quốc rồi lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác.