Gian nan chặng 'về đích' giải phóng mặt bằng dự án đường Tam Trinh

So với mốc 1/10/2024 do Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai ấn định, các đơn vị liên quan chỉ còn 70 ngày nữa để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Tam Trinh.

Quận Hoàng Mai quyết tâm giải phóng mặt bằng dự án đường Tam Trinh trong tháng 9/2024. Ảnh HM.

Quận Hoàng Mai quyết tâm giải phóng mặt bằng dự án đường Tam Trinh trong tháng 9/2024. Ảnh HM.

Hiện nay, quận Hoàng Mai đang thực hiện 45 dự án, với diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) lên đến hàng trăm héc-ta. Trong đó, có 7 dự án giao thông gồm: Dự án xây dựng 1/2 cầu Đền Lừ và tuyến đường 2,5 đoạn phía Bắc khu công nghiệp Vĩnh Tuy; Dự án đường vào Trường chất lượng cao Yên Sở; Dự án xây dựng tuyến đường từ đường 2,5 đến UBND phường Hoàng Văn Thụ; Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối tiếp từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam; Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai.

Ghi nhận tiến độ

Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh được Ban Thường vụ Quận ủy, UBND quận Hoàng Mai đặc biệt quan tâm, bởi nếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành công dự án này sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho các dự án khác.

Để thực hiện Quyết định số 5504/QĐ-UBND ngày 28/11/2012 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh từ năm 2017, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hoàng Mai đã tiến hành kiểm đếm, xây dựng dự thảo phương án chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường GPMB.

Nhưng do nhiều nguyên nhân, công tác GPMB bị chậm tiến độ. Ngày 1/10/2024 là mốc cuối cùng mà Thường trực Quận ủy Hoàng Mai yêu cầu 3 phường: Hoàng Văn Thụ, Yên Sở, Mai Động và Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai phải hoàn thành.

Để triển khai Dự án Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai phải GPMB trên 54.000m2, liên quan 1.583 hộ dân và 19 tổ chức. Tại phường Mai Động diện tích thu hồi trên 20.000m2, chính quyền đã tiến hành phê duyệt phương án thu hồi đất của 12/12 tổ chức, 63/162 hộ dân. Tính đến nay đã có 5/12 tổ chức nhận tiền, tháo dỡ công trình tài sản và bàn giao mặt bằng. 63/163 hộ gia đình đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong đó 34/63 hộ gia đình đã nhận tiền, còn 29/63 hộ chưa nhận tiền.

Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động Nguyễn Trường Thịnh cho biết, tuần vừa qua đã giải quyết 27 hộ, hiện chỉ có 73/100 trường hợp chưa xây dựng được phương án dự thảo. Trong số này, UBND phường vừa hoàn thành việc xác nhận và kiểm đếm cho 42/73 trường hợp, như thế chỉ còn 31 hộ. Trong thời gian tới, UBND phường Mai Động sẽ báo cáo, đề xuất UBND quận ra quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với các trường hợp còn lại.

Đối với phường Hoàng Văn Thụ, diện tích thu hồi trên 20.500m2 liên quan đến 194 hộ gia đình và 6 tổ chức (đã hoàn thành GPMB). Hiện phường đã phê duyệt phương án GPMB 12 hộ, công khai phương án (dự thảo) 164 hộ… khối lượng công việc cònlớn.

Với việc mới GPMB được 6.554m2 (khoảng 46%), công tác đền bù đang gặp rất nhiều khó khăn do lịch sử đất phức tạp. Cán bộ liên quan đến công tác này phải biết lắng nghe, giải quyết có tình, có lý mới có thể hoàn thành đúng tiến độ, một khối lượng công việc không hề nhỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 3 phường liên quan đến Dự án xây dựng đường Tam Trinh, phường Yên Sở có khối lượng GPMB lớn nhất (43.500m2, liên quan đến 1 tổ chức và 800 hộ gia đình). Đây là phường có tuyến đường đi qua với chiều rộng 2 mặt cắt khác nhau. Đối với đoạn có mặt cắt 40m, UBND phường Yên Sở cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ, 73/73 hộ đã được phê duyệt phương án GPMB.

 Ảnh TA

Ảnh TA

Đối với đoạn mặt cắt 55m, 172 hộ tại Yên Sở Thượng đã nhận tiền đền bù, trong 180 hộ tại Yên Duyên vẫn còn 143 hộ chưa phê duyệt phương án. Chủ tịch UBND phường Yên Sở Trương Văn Tâm chia sẻ: "Hiện 95/143 hộ chưa phối hợp với chính quyền điều tra, kê khai, hiện chúng tôi đã ra quyết định kiểm đếm bắt buộc với 6 hộ. Phường Yên Sở đang tích cực phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai để giải quyết đúng tiến độ mà Quận ủy, UBND quận đề ra.

Kinh nghiệm cho thấy, giai đoạn "về đích" của dự án sẽ gặp không ít khó khăn, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Những ngày này có mặt tại 3 phường chúng tôi thấy GPMB luôn là câu chuyện chính của Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và các cán bộ đang ngày đêm đốc thúc công tác GPMB.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Trước hết, phải khẳng định Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh được TP Hà Nội và quận Hoàng Mai đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tháng 12/2020, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã họp và sau đó có Thông báo số 577/TB-VP về việc tháo gỡ một số khó khăn của dự án, trong đó đề cập các chính sách đến bù. Mới đây, Thành phố đã gia hạn cho việc sử dụng quỹ nhà tái định cư 782 hộ đến hết quý III năm 2025 để phục vụ công tác GPMB của dự án đường Tam Trinh.

UBND quận Hoàng Mai đã có 2 văn bản phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất làm căn cứ để bồi thường, hỗ trợ GPMB đoạn từ đường Minh Khai đến cầu rẽ Khu Đô thị Đền Lừ và từ cầu rẽ Khu Đô thị Đền Lừ đến giao cắt đường Vành đai 3. Trước đó, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai đã ban hành Chỉ thị về công tác GPMB trên địa bàn quận Hoàng Mai năm 2024 và những năm tiếp theo để làm cơ sở cho cấp ủy, chính quyền, người dân triển khai thực hiện.

Theo tìm hiểu, công tác đền bù, GPMB tại dự án này đang áp dụng “Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 về việc quy định ban hành và bảng giá các loại đất trên địa bàn TPố Hà Nội từ 1/1/2020 đến 31/12/2024” với hệ số điều chỉnh từ 1,915 đến 1,918, tùy vị trí. Điều này khiến cho giá hỗ trợ, bồi thường cùng vị trí nhưng tại các đoạn khác nhau, đi qua các phường khác có sự chệch lệch nhau về giá đền bù khoảng 10 triệu đồng/m2. Để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương của chính quyền, đòi hỏi cán bộ cơ sở phải hiểu sâu về Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND và kiên trì thuyết phục các hộ dân. Cán bộ làm công tác GPMB vừa phải hỗ trợ tối đa người dân, vừa phải làm đúng các quy định của pháp luật.

Trao đổi về những khó khăn của công tác GPMB dự án đường Tam Trinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Tuấn Đạt cho biết: Liên quan đến dự án đường Tam Trinh có nhiều văn bản, từ Quyết định 4844/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án đến nay đã có 14 - 15 văn bản liên quan. Những cán bộ, nhân viên tham gia GPMB của dự án phải am hiểu nghiệp vụ, đồng thời phải vượt qua tâm lý "sợ sai", "sợ trách nhiệm", các bộ phận liên quan vừa đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục hành chính.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, Bí thư Quận ủy Nguyễn Xuân Linh cho biết, khối lượng GPMB của dự án này còn khá lớn, nhưng tinh thần của Ban Thường vụ Quận ủy là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Tất cả những khó khăn, những phát sinh người dân phản ánh như giá nhà tái định cư hay chủ sở hữu sống ở nước ngoài khó liên lạc… đều được quận cập nhật. Hàng tuần, Ban Thường vụ Quận ủy đều nghe các bộ phận liên quan báo cáo, vướng đâu thì sẽ gỡ đấy, quận vẫn quyết tâm hoàn thành GPMB trong tháng 9 sắp tới.

Đông Hùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gian-nan-chang-ve-dich-giai-phong-mat-bang-du-an-duong-tam-trinh.html