Gian nan cuộc chiến phòng, chống hàng giả

Hiện các nguồn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được xác định có nguồn gốc rất phức tạp. Những mặt hàng này có ở các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng, hàng thời trang, phụ kiện thời trang, vật liệu xây dựng...

Diễn biến phức tạp

Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển mạnh mẽ, rộng rãi. Trong khi đó, hoạt động thương mại truyền thống (TMTT) vẫn được duy trì mặc dù có sự ảnh hưởng của TMĐT. Tại Việt Nam, hiện đang tồn tại 3 phương thức kinh doanh, gồm: kinh doanh theo phương thức TMĐT, kinh doanh theo phương thức TMTT, kinh doanh theo phương thức kết hợp giữa TMĐT và TMTT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động TMĐT đang lấn sân, có phần áp đảo hoạt động TMTT.

Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Bên cạnh đó, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền SHTT do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Từ các vụ việc do các lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây cho thấy có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sản xuất trong nước tăng dần cả về quy mô và số vụ việc.

Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra một cơ sở kinh doanh giày dép vi phạm trên địa bàn

Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra một cơ sở kinh doanh giày dép vi phạm trên địa bàn

Tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống địa phương, hộ kinh doanh tạp hóa khu vực trung tâm tỉnh, thành phố trên cả nước cũng không mấy khó khăn để tìm mua các loại hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT. Điều đáng nói, trong hoạt động TMTT, ngoài việc trực tiếp kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, một số đối tượng vì lợi nhuận đã trực tiếp tổ chức sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sau đó đưa ra thị trường thông qua cả 2 phương thức kinh doanh nói trên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động thương mại phi pháp đã gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, thất thu thuế của Chính phủ và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tài chính cá nhân người tiêu dùng. Nguyên nhân được xác định do sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT có lợi nhuận rất lớn; nhu cầu dùng hàng giả thương hiệu vẫn còn nhiều, do nhận thức của người tiêu dùng chưa ý thức về sự ảnh hưởng khi sử dụng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, ham rẻ.

Bên cạnh đó, việc quản lý các nền tảng có ứng dụng bán hàng của các nhà cung cấp hiện nay chưa chặt chẽ, chưa thực sự quan tâm kiểm soát chất lượng, thương hiệu loại hàng hóa được đăng bán trên các sàn TMĐT bán; việc xác thực, định danh các tài khoản mạng xã hội chưa triệt để; tình trạng mua bán tài khoản mạng xã hội diễn ra phổ biến...

Sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... tại TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp

Sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... tại TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp

Theo Báo cáo tổng kết về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý, bắt giữ 146.678 vụ vi phạm, trong đó vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là 5.464 vụ việc, tăng 48% so với cùng kỳ. Trong đó, đứng đầu về số vụ việc được kiểm tra xử lý là Ban Chỉ đạo 389 TP.Hà Nội với 1.579 vụ; phạt hành chính gần 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 28 tỷ đồng. Kế tiếp là Ban Chỉ đạo 389 TPHCM với 1.316 vụ việc được kiểm tra, xử lý, thu nộp ngân sách hơn 16,4 tỷ đồng, số lượng hàng hóa vi phạm 191.090 sản phẩm...

Chỉ tính riêng đối với hoạt động TMĐT, trong năm 2023, Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công Thương thực hiện yêu cầu các sàn TMĐT, các website ngăn chặn, hoặc gỡ bỏ, khóa tài khoản đối với 6.254 gian hàng, với 23.359 sản phẩm vi phạm chủ yếu là hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền SHTT. Các vụ việc khác được kiểm tra xử lý vi phạm là 1.133 vụ.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã xử lý, giải quyết 644 vụ xâm phạm quyền SHTT, bằng các biện pháp hành chính và khởi tố; điều tra, xét xử 271 vụ, với 396 bị can, với tổng số tiền phạt trên 8,1 tỷ đồng. Đồng thời, lực lượng thực thi quyền SHTT đã tịch thu, yêu cầu loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy hàng chục ngàn tang vật vi phạm.

Nỗ lực phòng, chống

Thời gian qua, các lực lượng chuyên trách trên cả nước chung tay phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trong các hoạt động thương mại, nhưng do còn nhiều khó khăn, vướng mắc (như về cơ chế chính sách, về công tác phối hợp...) nên tình hình hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến khó lường.

Trên cơ sở đó, mới đây, tại Hội thảo chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT trong hoạt động TMĐT, TMTT - Thực trạng và giải pháp do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Tổng Cục QLTT, Bộ Công thương tổ chức, các lực lượng chuyên trách đã đưa ra một số giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trong tình hình mới.

Cụ thể, các Bộ, ngành khẩn trương ban hành mới, sửa đổi bổ sung chỉnh lý các văn bản đã được đề cập, gần nhất tại văn bản số 82/VPTT-TH của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đối với các văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT cần được quan tâm, hướng dẫn thực hiện chi tiết, rõ ràng, bảo đảm công tác thực thi; kiện toàn đội ngũ cán bộ, lực lượng thực thi; bảo đảm về số lượng có đủ phẩm chất, bản lĩnh, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu với sự phát triển của xã hội, đặc biệt lĩnh vực TMĐT và thực thi quyền SHTT.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu đối với lĩnh vực chống hàng giả, kỹ năng phân biệt hàng giả, nghiệp vụ chuyên ngành đối với công chức thực thi về quyền SHTT; bổ sung kinh phí để mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, kinh phí tiêu hủy hàng hóa, xây dựng kho bãi, bảo quản tang vật, vật chứng của các vụ án, vụ việc; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để bảo đảm việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời.

Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở mọi tầng lớp nói không với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT nhằm giảm tối thiểu nhu cầu mua sắm đối hàng hóa thuộc diện nói trên; nâng cao khả năng nhận diện cho cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với phương thức TMĐT nhằm chấn chỉnh, cũng như xử lý vi phạm...; khẩn trương rà soát, định danh sim số điện thoại, yêu cầu các tổ chức cá nhân đăng ký đầy đủ thông tin, giảm tối đa việc sử dụng tài khoản ảo trên mạng xã hội, kể cả tài khoản ngân hàng; kiên quyết yêu cầu nhà cung cấp ứng dụng xóa bỏ các tài khoản vi phạm về buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT...

Đồng thời, chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đồng hành cùng lực lượng thực thi kiểm tra loại bỏ các vi phạm về SHTT, hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp; phối hợp với lực lượng chức năng, tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ năng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, trang bị thiết bị nhận diện, cảnh báo hàng giả nếu có...; tìm kiếm, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng về các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh, vận chuyển, cất giữ và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp hội viên nói riêng, cũng như vi phạm pháp luật nói chung...

Trung Hiếu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/gian-nan-cuoc-chien-phong-chong-hang-gia_163560.html