Gian nan nghề hái cau

Ở xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có một số người dân mưu sinh bằng nghề hái cau. Nghề này đòi hỏi người theo nghề có sức khỏe dẻo dai để trèo lên những ngọn cây cao chót vót. Vất vả, nguy hiểm nhưng nhiều người hái cau cho rằng nghề này khá thú vị bởi ăn cơm dưới đất nhưng làm việc trên đọt cây.

Mưu sinh bằng nghề hái cau không có nhiều người chọn, nhất là leo lên cây cau có thân ốm vừa trơn vừa cao, nguy hiểm. Bởi vậy, thợ hái cau cần sức dẻo dai, nhanh và có kinh nghiệm để hiệu suất làm việc cao nhất và đảm bảo an toàn cho bản thân.

Anh Tài Minh Tới, ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) cho biết: “Tôi làm nghề bẻ cau khoảng 6-7 năm. Nghề này chủ yếu làm theo hình thức truyền nối trong gia đình hoặc quen rồi chỉ nhau. Người mới vào nghề leo cây khoảng 8-10m, thành thạo hơn thì leo cây 14-15m”.
Theo anh Tới, dụng cụ hành nghề hái cau đơn giản, chỉ cần dây nài (dây bện bằng vải hoặc dây chuối thành vòng), cây dao nhỏ hoặc cây dài gắn lưỡi hái để cắt buồng cau.

“Khi hái cau, tôi lồng dây nài vào hai bàn chân rồi quặp vào thân cây cau nhằm tăng độ bám, cứ như vậy tôi leo tới đọt. Có những người thành thạo leo mà không cần dây nài và họ có thể di chuyển từ cây này sang cây khác nhanh nếu các cây nằm gần nhau”, anh Tới nói.
Vừa nói dứt câu, anh Tới tròng dây nài vào chân rồi thoăn thoắt leo lên ngọn cau, dùng dao nhỏ cắt rồi giật buồng cau xuống. Cách đó không xa là anh Huỳnh Phước Liên, ngụ xã Bình An cũng chuẩn bị leo.

Anh Liên chia sẻ: “Nghề này với người mới tập sợ nhất là cau tơ, trời mưa trơn khó leo, chủ yếu kiếm cây cau thân sần sùi dễ leo. Với những người không biết trèo cây hoặc trèo không thạo thường đứng dưới gốc hoặc đứng trên thang dùng sào gắn lưỡi hái để móc buồng cau, tuy nhiên với những buồng cau đẹp thì phải trèo lên đọt để hái, tránh trái bị dập, bán giá cao hơn”.
Anh Liên cho biết, khi mới vào nghề mỗi ngày anh leo được 20 cây, đến nay anh có thể leo cả trăm cây. “Nghề này chủ yếu đòi hỏi sức khỏe dẻo dai nên thợ làm nghề phần lớn là người trẻ. Tuy làm nghề cực nhưng chúng tôi luôn lạc quan”, anh Liên nói.

Anh Huỳnh Phước Liên với công việc trèo cau quen thuộc của mình.

Anh Huỳnh Phước Liên với công việc trèo cau quen thuộc của mình.

Theo những người thợ hái cau, nghề này thấy dễ nhưng vất vả và nguy hiểm. Không chỉ vận chuyển nặng nhọc, người thợ hái cau còn phải leo lên những cây cao chót vót, có khi bị kiến cắn, đối mặt với ong, rắn sống trên ngọn cau.

Ngoài ra, thời vụ chính mùa cau khoảng tháng 7-10 âm lịch cũng là mùa mưa nên thân cau trơn trượt, dễ té, thợ hái cau phải cẩn thận khi hành nghề.

Ở xã Bình An cau đang vào mùa thu hoạch rộ. Trên độ cao hơn 10m, hình ảnh những người thợ hái cau thoăn thoắt trèo từ cây này sang cây khác thuần thục khiến những người khách lạ thót tim. Vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng những người làm nghề hái cau như anh Tới, anh Liên cố gắng bám nghề bởi đây là việc giúp các anh có thu nhập lo cho gia đình.

“Tôi bẻ cau nhà xong thì bẻ cho lái, thương lái trả công 3.000 đồng/kg. Nếu thạo nghề, bẻ nhanh, mỗi ngày thợ bẻ cau vài trăm kg cau, thậm chí cả tấn cau”, anh Tới chia sẻ.

Ngoài đi hái cau thuê, người dân còn thu gom cau bán lại cho thương lái. Ông Nguyễn Minh Chiến, ngụ xã Bình An cho biết: “Hôm nay tôi gom được khoảng 4 tấn cau. Cau non tôi bán qua Trung Quốc, cau vừa ăn tôi bán ra Thanh Hóa. Tôi mua 10.000 đồng/kg, bán giá cao hơn vài ngàn”.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/gian-nan-nghe-hai-cau-11174.html