Gian nan nuôi cá làm giàu ở biên giới Lai Châu (bài 5)

Dự báo trong 5 năm tới, các dự án nuôi cá nước lạnh ở tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục phát triển ồ ạt. Nếu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không có chiến lược hành động ngay từ bây giờ, chắc chắn quy hoạch nuôi trồng thủy sản sẽ không theo kịp với tốc độ phát triển thực tiễn, dẫn đến vùng nuôi bị ô nhiễm môi trường, gây ra những hệ lụy khôn lường.

Bài 5: Giải pháp tối ưu để khoan sức dân

“Xã Sin Suối Hồ đang phát triển nóng cá nước lạnh, phải nói rất nóng, mang tính tự phát, chỉ thời gian ngắn đã có 40 hộ đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm, với 140 ao, phân ra 4 khu nuôi. Thời gian tới, người dân ở xã này sẽ đầu tư thêm nhiều hồ cá, rồi sẽ có nhiều hệ lụy đi kèm theo” - ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, được ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu ủy quyền cung cấp thông tin cho báo chí.

Người dân đã đầu tư nhiều tiền xây dựng cơ sở nuôi cá hồi tại xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ. Ảnh: Hải Luận

Người dân đã đầu tư nhiều tiền xây dựng cơ sở nuôi cá hồi tại xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ. Ảnh: Hải Luận

Cần xây dựng thương hiệu cá hồi Lai Châu

- Phải nói rằng, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sin Suối Hồ đã đi tiên phong mở đường nuôi cá tầm, cá hồi, sao ông lại nói “tự phát”? - tôi tranh luận.

- Chỉ một, hai người làm mới gọi tiên phong, nay đã lan ra hàng chục người rồi.

“Lai Châu có thế mạnh nuôi cá hồi, cá tầm, trong nuôi trồng thủy sản, yếu tố bảo vệ môi trường lâu dài rất quan trọng, anh làm lãi 2 vụ, nhưng chỉ cần một vụ cá chết hàng loạt sẽ có nguy cơ phá sản rất cao. Cần có chiến lược dài hạn để phát triển ngành nuôi cá hồi, cá tầm quy mô lớn hơn, mặt hàng có giá trị kinh tế cao, người dân, doanh nghiệp dễ làm giàu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng cử các chuyên gia về thủy lợi, quy hoạch, nuôi trồng, thị trường... giúp tỉnh Lai Châu lập phương án phát triển” - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.

- Vậy cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu đã có quy hoạch, phương án nào khuyến cáo bà con nuôi mang tính căn cơ chưa?

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã làm kế hoạch tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước lạnh cho bà con huyện Phong Thổ, chờ Sở Tài chính phê duyệt kinh phí để năm 2024 triển khai. Về lâu dài phải có công trình nghiên cứu khoa học nuôi cá hồi, cá tầm ở Lai Châu, khi đó mới có quy hoạch chi tiết.

- Năm 2008, BĐBP Lai Châu đã nuôi cá hồi, cá tầm, đến nay có nhiều hợp tác xã, hộ dân đầu tư với nguồn vốn lớn, sản lượng đạt cả trăm tấn/năm, đâu nhất thiết phải chờ kéo dài thời gian nghiên cứu khoa học?

- Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 200 tỷ đồng cho một số tỉnh nuôi được cá nước lạnh để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có tỉnh Lai Châu. Các hộ dân nuôi nhỏ lẻ không thể làm lớn được, tỉnh vẫn đang chờ doanh nghiệp tầm cỡ đầu tư đồng bộ, tạo chuyển biến nhanh.

Nuôi cá hồi, cá tầm ở Lai Châu có 5 yếu tố căn bản nhất: Nguồn nước sạch đủ lạnh 10-18 độ C, con giống tốt, thức ăn, thị trường tiêu thụ, con người. Trong đó, nguồn nước trở thành “đòn” chí mạng quyết định đến 80-90% thắng lợi hay thất bại trong nuôi cá hồi, cá tầm ở vùng biên giới.

Cái độc đáo của tỉnh Lai Châu mà các nơi khác không có được, đó là đa số những dòng suối lớn ở khu vực biên giới bắt nguồn từ độ cao 2.500-3.000m so với mực nước biển. “Ở tỉnh Lào Cai có nuôi cá hồi ở Sa Pa, nhưng khi có khách VIP từ Hà Nội lên Lào Cai, bên đó gọi điện đặt cá hồi nuôi ở biên giới huyện Phong Thổ chuyển về tiếp khách. Như chiều nay, em bắt 15kg cá hồi cho một công ty ở tỉnh Lai Châu tiếp lãnh đạo tập đoàn từ Hà Nội lên công tác. Coi như số ăn tại chỗ, số mang về nhà làm quà” - Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn, phụ trách cơ sở nuôi cá hồi của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải thông tin khá thú vị.

Theo Thiếu tá Tuấn, nguồn gốc giống cá hồi từ châu Âu, thức ăn hằng ngày mua của Hà Lan nhập khẩu, nuôi ở môi trường nước đặc biệt sạch, tạo nên chất lượng cá hồi của Lai Châu ngang hoặc hơn cá hồi châu Âu. Ăn cá tươi sống sẽ ngon hơn cá đã đông lạnh vận chuyển hàng chục nghìn cây số về Việt Nam.

Các xã Mồ Sì San, Sì Lờ Lầu..., huyện Phong Thổ nằm ở độ cao lý tưởng và có những con suối đủ điều kiện nuôi cá hồi. Một số xã biên giới thuộc huyện Mường Tè cũng có độ cao, suối lớn phát triển nuôi cá hồi rất tốt. Thế nhưng, những địa điểm này vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào bắt tay nuôi cá hồi, cá tầm.

Từ thực tiễn kiểm nghiệm, tỉnh Lai Châu cần tính đến quản lý chất lượng và thương hiệu cá hồi trở thành đặc sản vùng cao và xa nhất đất nước. Nhu cầu thị trường tiêu thụ cá hồi, cá tầm chất lượng cao ở các tỉnh, thành phố phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung rất lớn. Cần có chiến lược quảng bá, giới thiệu để nhiều người trong và ngoài nước biết đến cá hồi Lai Châu.

Cần có chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu cá hồi Lai Châu. Ảnh: Hải Luận

Cần có chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu cá hồi Lai Châu. Ảnh: Hải Luận

Đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản

Người nuôi cá hồi, cá tầm ở Lai Châu như “chơi canh bạc” lớn với thiên nhiên. Bởi vì gần như tất cả cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm đều phụ thuộc vào nguồn nước suối tự chảy. Thiếu tá Chu Văn Thứ, Đội trưởng Đội sản xuất - kinh doanh tổng hợp số 2, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 chia sẻ câu chuyện thực tiễn: “Cùng một dòng suối ở xã Tung Qua Lìn, vào mùa khô, bà con tập trung lấy nhiều nước vào các cánh đồng ruộng lúa bậc thang. Ở phía dưới chỉ có hai cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm bị thiếu nước cấp vào bể nuôi, để thiếu nước lâu ngày, cá nuôi chậm lớn và chết nhiều. Người dân đi vay tiền ngân hàng đầu tư nuôi cá, vào mùa khô không cẩn thận rất dễ bị cá chết hàng loạt, trắng tay phải bán nhà trả nợ”.

Những con suối ở biên giới Lai Châu có độ dốc lớn không lưu giữ được nhiều nước, Nhà nước cần đầu tư xây dựng các con đập cao dự trữ nguồn nước lớn, vừa nuôi cá, vừa sản xuất nông nghiệp. Khi đã chủ động được nguồn nước ở phía trên, phía dưới quy hoạch bài bản vùng nuôi cá, đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh phòng dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cao, tính bền vững lâu dài.

Đắp một con đập bằng bê tông giữ nước ở suối cao không nhiều tiền, vấn đề nên chọn một địa điểm thích hợp làm thí điểm trước, từ đó đúc rút kinh nghiệm rồi triển khai đồng loạt ở các huyện đủ điều kiện nuôi cá hồi, cá tầm. Thử đặt bài toán kinh tế đơn giản, giá 1kg cá hồi bán tại Lai Châu từ 200.000-350.000 đồng, giá 1kg sắn 1.200-1.700 đồng, phải làm ra 2 tạ sắn mới bằng giá trị 1kg cá hồi. Lâu nay, thu nhập của người dân tỉnh Lai Châu quanh quẩn hạt thóc ruộng lúa bậc thang, sắn, ngô... nên vẫn chưa thoát được nghèo.

Ngày 19/11/2023, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu. Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh có giải pháp chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, tập trung vào sản xuất các mặt hàng sản phẩm có thế mạnh về nông nghiệp mang tính bền vững.

Phải chăng nuôi cá hồi, cá tầm sẽ trở thành kinh tế chủ lực của ngành nông nghiệp Lai Châu, người dân có thể làm giàu nhanh, nên cần có đầu tư bài bản và tính toán hợp lý.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gian-nan-nuoi-ca-lam-giau-o-bien-gioi-lai-chau-bai-5-post470344.html