Gian nan vì nắng hạn
Tỉnh Bình Phước đang vào đợt nắng nóng cao điểm của mùa khô 2024. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có những ngày mức nhiệt lên đến 38 độ C. Hiện tại, mực nước ở các hồ thủy lợi đều xuống thấp, nhiều địa phương rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
GIÁ NƯỚC SINH HOẠT TĂNG CAO
Gần 2 tháng nay, anh Nguyễn Đức Nam ở thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập phải mua nước sinh hoạt. Bởi sau khi nạo vét, giếng nhà anh Nam vẫn không đủ nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình. Hiện anh Nam đang nuôi hơn 10.000 con lươn và cá trê. Đây là lứa lươn đầu tiên nuôi bằng nước giếng, gặp thời tiết khô hạn, thiếu nước nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh trưởng của lươn. Mỗi ngày, lươn được thay nước 2 lần. Nước thải từ hồ nuôi lươn được tận dụng để nuôi cá trê. Do độ pH của nước giếng khoan không phù hợp nên lươn có biểu hiện chết dần. Anh Nam cho biết: Năm nay hạn như năm 2016, giếng nhà đã đào thêm 8m, sâu 28m mà vẫn không có nước. Mỗi tháng, chi phí mua nước sinh hoạt và nuôi lươn, cá cũng hết gần 3 triệu đồng. Giờ tôi chỉ mong trời mưa để tránh thiệt hại về kinh tế.
Hơn 4 tháng nay trên địa bàn xã Đắk Ơ không có cơn mưa nào, khiến nhiều giếng nước khô cạn. Khoảng 300 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, nhất là các hộ sinh sống ở khu vực trung tâm xã. Những hộ không có điều kiện khoan giếng thì phải mua nước sinh hoạt với giá từ 60-70 ngàn đồng/xe 2,2m3. Ngoài chi phí sinh hoạt thì mỗi gia đình còn tốn thêm vài triệu đồng để mua nước mỗi tháng.
Trời càng nắng hạn, nghề cung cấp nước càng “ăn nên làm ra”. Mỗi ngày, ông Võ Văn Chân cung cấp hơn 10 xe nước cho các hộ dân ở khu vực trung tâm chợ xã Đắk Ơ. Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, trong khi lượng nước bơm lên từ giếng khoan không đủ cung cấp cho các hộ dân. “Vào mùa khô, người dân mua nước rất nhiều, không riêng khu vực trung tâm mà còn những nơi khác nữa. Ngoài tôi còn có 2 người khác cung cấp nước sinh hoạt. Bình quân mỗi người chở hơn 10 xe nước trong một ngày. Làm nghề này chỉ đông khách vào mùa nắng thôi” - ông Chân chia sẻ.
NGUY CƠ MẤT MÙA VÌ NẮNG HẠN
Từ cuối tháng 2-2024, vườn cà phê của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn 10, xã Đắk Ơ đã ra hoa đồng loạt. Đến nay, do nắng hạn, thiếu nước tưới, toàn bộ hoa cà phê đã khô đen, không còn khả năng đậu trái. Tuần trước, chị Thủy đã chi 35 triệu đồng để khoan một giếng sâu 120m, nhưng vẫn không đủ nước sử dụng. Để có nước tưới cho khu vườn, chị phải bơm trong nhiều giờ vào hồ chứa. Sau khi bơm khoảng 30 phút, nước giếng cạn dần, phải chờ đến hôm sau mới có thể bơm tiếp. Từ tết Nguyên đán đến nay, vườn cà phê chỉ được tưới 2 lần với lượng nước rất hạn chế, nên toàn bộ cây đã vàng lá và đang có dấu hiệu chết dần. Vụ mùa năm ngoái, thời tiết thuận lợi, chị Thủy thu hoạch được 6 tấn cà phê/ha. Năm nay, vườn cà phê nhà chị đứng trước nguy cơ thất thu do thiếu nước tưới và nhiều khả năng phải chuyển đổi sang cây trồng khác.
Thôn 10, xã Đắk Ơ có khoảng 30 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện cây cà phê, sầu riêng của người dân đang trong thời kỳ ra hoa, đậu trái nhưng vì không có đủ nước tưới nên khó tránh khỏi nguy cơ mất mùa. Với những hộ ở gần suối, hồ đập thì lấy nước từ đó để tưới cho vườn cây. Còn nếu ở xa, không có khả năng khoan giếng hoặc mua nước thì đành bỏ mặc cây trồng cho trời đất.
Vào thời điểm này năm ngoái, con suối bên cạnh khu vườn của hộ bà Đỗ Thị Thanh Loan ở thôn Bù Xia, xã Đắk Ơ vẫn còn nhiều nước. Tuy nhiên hiện nay, con suối đã cạn trơ đáy nên không thể bơm nước vào các hồ chứa trong vườn. Những ngày nắng hạn, vườn sầu riêng cần nhiều nước tưới hơn. Tuy vậy, để tiết kiệm nước, cách 3 ngày bà Loan mới tưới cho vườn cây 1 lần. Hiện 3 ha sầu riêng đang ra hoa, đậu trái. Giai đoạn này, cây cần rất nhiều dinh dưỡng, bổ sung đủ lượng nước tưới để giữ độ ẩm trong đất. Nếu thiếu nước, cây sẽ bị rụng trái non.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Đắk Ơ hơn 10.000 ha. Trong đó, diện tích cây ăn trái, sầu riêng, cà phê, tiêu hơn 1.200 ha. Những cây trồng này cần nhiều nước tưới trong mùa khô. Trong khi chỉ một số hộ dân ở gần suối, hồ đập chủ động được nguồn nước tưới, số còn lại phải khoan giếng lấy nước. Theo người dân địa phương, một giếng khoan có giá từ 35-40 triệu đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có nước. Hiện toàn xã có khoảng 100 ha cây trồng thiếu nước tưới. Ông Nguyễn Mậu Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ cho biết: Xã có 4 hồ chứa nước ở 4 thôn. Tuy nhiên, lượng nước không thể cung cấp tới những hộ có vườn rẫy ở xa. Về lâu dài, địa phương rất cần xây dựng thêm một số hồ đập chứa nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, xã đã đề xuất các ngành chức năng xây dựng nhà máy nước để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân ở khu vực trung tâm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 3, toàn tỉnh có hơn 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, khoảng 200 ha cây trồng thiếu nước tưới. Những khu vực có nguy cơ hạn hán cao là Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước, trong 10 ngày tới, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng, với mức nhiệt gia tăng, nhiệt độ từ 35-380C, có nơi hơn 380C. Chỉ số hạn nông nghiệp ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh mức độ 4 (hạn rất khắc nghiệt). Dự báo tình hình khô hạn tiếp tục duy trì ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 5-2024.
“Ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước. Qua đó, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thống kê diện tích cây trồng có khả năng thiếu nước tưới, phối hợp Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước xây dựng lịch điều tiết nước để sử dụng nguồn nước hiệu quả”.
Ông HOÀNG MẠNH THƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước
Thời gian tới, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi; quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/155500/gian-nan-vi-nang-han