Giang hồ tạo tranh chấp để chiếm đất ở Biên Hòa

Những băng nhóm giang hồ ở Đồng Nai đang chuyển hình thái hoạt động mới - tham gia vào việc tạo tranh chấp để rồi chiếm đất, gây khốn đốn cho biết bao gia đình, gây mất an ninh trật tự

Liên quan vụ "giang hồ vây xe chở công an", Công an tỉnh Đồng Nai và Bộ Công an cho biết tiếp tục mở rộng điều tra, trong đó có việc các băng nhóm này có dấu hiệu tranh giành, lấn chiếm đất đai, cưỡng đoạt tài sản là quyền sử dụng đất.

Lãnh địa mang tên "Giang 36"

Theo ghi nhận của phóng viên, băng nhóm "Giang 36" đã lộng hành tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong thời gian dài. "Lãnh địa" hoạt động của băng nhóm này là vùng đất thuộc khu phố 11A, phường Tân Phong, TP Biên Hòa - nơi đất đai chưa ổn định về quy hoạch. Đây là khu phố còn thưa thớt người ở, tình hình đất đai diễn biến phức tạp vì một số nơi giáp đất quốc phòng, đa số là dân nhập cư. Khi chúng tôi vừa vào đến đây, hỏi thăm về tình hình đất đai và nhắc đến "Giang 36", người dân xung quanh đã tụ lại để... tố cáo.

“Giang 36” dùng hung khí đe dọa những người tranh chấp đất. (Ảnh do người dân cung cấp)

“Giang 36” dùng hung khí đe dọa những người tranh chấp đất. (Ảnh do người dân cung cấp)

Bà S. (60 tuổi), cầm tập đơn dày và nhiều hình ảnh đã được in ra, bức xúc: "Giang 36 đã bị bắt rồi nhưng cả vùng này vẫn còn sợ. Đất đai của chúng tôi, bọn chúng dùng bạo lực và mọi thủ đoạn chiếm hết, đến giờ còn rối tung cả lên". Nói rồi bà S. cùng nhiều người dẫn chúng tôi đi thực địa các khu đất đã bị băng nhóm "Giang 36" phân lô, chia lối đi, dựng cột điện như những khu "dự án". Theo bà S., bà có 5.000 m2 đất tại khu vực trên khai phá từ 15 năm trước. Khu đất được làm hàng rào gạch cao vài gang tay để tạo ranh giới, gia đình bà ở cách một đoạn phía ngoài để buôn bán. Bỗng một ngày đầu năm 2018, hàng chục thanh niên do "Giang 36" cầm đầu ầm ĩ xuất hiện và tuyên bố đây là đất của họ, "do cha ông để lại" rồi tuyên bố "làm dự án".

Cùng cảnh ngộ, bà Lê Thị H., chủ của gần 3.000 m2 đất tại khu vực trên, có ranh giới rõ ràng và có một số căn cứ pháp lý là đất khai phá. Đùng một cái, băng nhóm "Giang 36" đến và trưng ra một bằng chứng "giao dịch" bằng giấy tay, tuyên bố đây là đất mà bọn họ đã mua lại từ rất lâu của một người khác. Cứ thế, hàng chục người dân xung quanh đều bị nhóm "Giang 36" gom hết đất, tạo tranh chấp và thẳng tay chiếm đoạt. Băng nhóm này cho cả máy xúc, máy ủi và thợ làm công trình đến, chặt phá những vườn tràm do người dân trồng, đập bỏ các ranh giới giữ đất của người dân rồi cho phân lô, thửa mới. Thậm chí, nhóm này còn cho làm đường, dựng cột điện như dự án.

Nghi có người đứng sau điều hành

Bà S. cho biết giữa năm 2018, khi nhóm giang hồ đến đập phá lấy đất, người dân tập trung để giữ đất thì bị chúng dùng hung khí đe dọa, hành hung. Chúng còn kéo đến tận nhà đe dọa, gây ra nhiều vụ đâm chém khiến người dân sợ hãi. Theo tố cáo, tại đây có đến hàng chục người bị nhóm "Giang 36" đẩy vào tình trạng tranh chấp đất và sau đó là cướp đất. Trong đó, nhiều người có đất dạng khai phá, cũng có nhiều người đã bỏ tiền để mua đi bán lại bằng giấy tay, nhiều thì cả hecta, ít nhất vài trăm mét vuông.

Thời điểm trên, nhóm "Giang 36" còn đến tận nhà những người có đất, sau khi tuyên bố làm "dự án", hứa "bồi thường" cho người dân số tiền rất nhỏ so với giá trị thực số đất của họ có, nếu không lấy thì mất trắng. Nhiều người sợ quá, nghĩ đằng nào cũng mất đất, nhắm mắt nhận tiền.

"Không chỉ băng nhóm Giang 36 - nhóm lộng hành nhất, còn nhiều nhóm khác như H. "tóc dài", T. "mũ cối"... cũng dùng thủ đoạn trên nhưng lẻ tẻ xung quanh. Riêng nhóm "Giang 36", chúng tôi nghĩ còn có những nhân vật đứng sau để gom đất, chứ bọn này chỉ thừa hành..." - nhiều người dân khu phố 11A (phường Tân Phong, TP Biên Hòa) tố cáo.

Một cán bộ khu phố khẳng định người dân tại đây đã một thời gian dài hoang mang, bất an trong cảnh... sống chung với giang hồ. "Những kẻ lạ mặt đến rồi trưng ra giấy mua bán đất dạng viết tay, tạo tranh chấp. Khi chính quyền giải quyết, những kẻ này né tránh hoặc tạo cách khác làm tranh chấp thêm kéo dài, sau đó thậm chí uy hiếp, đe dọa cho người ta sợ rồi chiếm đất hoặc để người của chúng mua rẻ…" - vị cán bộ khu phố thông tin.

Chính quyền nắm rõ nhưng chỉ... lập biên bản!

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình hình giang hồ chiếm đất của người dân khu phố 11A, phường Tân Phong diễn ra trong thời gian dài, chính quyền địa phương nắm rõ. Bà Đ., một người dân rơi vào tình trạng mất đất ở trên, cho biết những lần xung đột với nhóm giang hồ, bà đều trình báo chính quyền địa phương. Ở các lần "đụng độ", Công an phường Tân Phong đã đến lập biên bản ghi nhận sự việc, yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng để chờ chính quyền giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc vẫn kéo dài, băng nhóm giang hồ vẫn ngang nhiên hoạt động, kéo lực lượng đến đe dọa người dân, gây bất an cả khu vực.

UBND phường Tân Phong cho biết khu vực xảy ra các vụ việc nói trên hiện nằm trong hoặc xung quanh khu vực tranh chấp, giải quyết pháp lý giữa đất của người dân và đất quốc phòng. Cũng có thể có đất khai phá của người dân nhưng cũng có đất quốc phòng bị lấn chiếm, canh tác, mua đi bán lại, nhiều năm nay chưa giải quyết được. Hiện tại, đất ở đây chưa bàn giao cho địa phương, chưa có số tờ, số thửa, những người có đất tại đây đều đang chờ nhà nước xử lý. Riêng các vụ tranh chấp, chính quyền địa phương chỉ có thể hòa giải hoặc đề nghị người dân gửi đơn lên tòa án.

Cũng theo UBND phường Tân Phong, thời gian qua, địa phương đã lập biên bản, xử lý hàng chục vụ việc tranh chấp đất gây mất an ninh trật tự. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự như chặt cây, phá hoại hàng rào... thì chính quyền địa phương hướng dẫn người dân trình báo cơ quan công an vào cuộc, xử lý theo hướng hủy hoại tài sản. Với những vụ việc có tính chất băng nhóm, hoạt động kiểu xã hội đen, ngoài phạm vi và khả năng giải quyết, phường báo cáo lên UBND TP Biên Hòa, Công an TP Biên Hòa để xử lý.

"Tuy nhiên, đến khi xảy ra nhiều vụ hỗn loạn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và đến khi "Giang 36" bị bắt, nhất là khi Bộ Công an vào cuộc, thì xem ra hồ sơ các vụ tạo tranh chấp dẫn đến chiếm đất này của các nhóm giang hồ mới dần hé lộ. Chứ cứ như trước thì sẽ còn nhiều người mất đất trong ngậm đắng nuốt cay" - một cư dân ở khu phố 11A nhận định.

Diễn ra ở nhiều nơi

Không chỉ diễn ra ở TP Biên Hòa, tình trạng giang hồ tạo cớ can thiệp, tranh chấp cướp đất còn xảy ra ở nhiều vùng khác. Trong đó đáng nói nhất là cuối tháng 7 vừa qua, Công an huyện Trảng Bom đã bắt 2 kẻ cầm đầu băng nhóm tạo tranh chấp để chiếm đoạt đất đai. Cụ thể, 2 đối tượng giang hồ cầm đầu bị bắt là Nguyễn Đình Ngọc (SN 1981, ngụ TP Biên Hòa) và Nguyễn Văn Việt (SN 1991, quê Thanh Hóa) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản.

Hai đối tượng trong vụ việc tranh chấp tại huyện Trảng Bom bị bắt giữ Ảnh: HOÀNG XUÂN

Hai đối tượng trong vụ việc tranh chấp tại huyện Trảng Bom bị bắt giữ Ảnh: HOÀNG XUÂN

Theo điều tra ban đầu, do có mâu thuẫn tranh chấp đất đai với chị Thân Thị Mỹ Th. (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), Ngọc huy động gần 20 người xăm trổ, đi nhiều ôtô đến chặt phá vườn tràm trên đất do gia đình chị Th. trồng. Công an huyện Trảng Bom đã phải điều hàng chục cảnh sát trật tự, cơ động đến giải quyết. Các đối tượng sau đó bị đưa về đồn, nhiều hung khí bị thu giữ. Trong 19 đối tượng tham gia vụ việc thì 10 đối tượng có tiền án về các tội "Cố ý gây thương tích", "Giết người", "Cướp tài sản".

CẨM TRANG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giang-ho-tao-tranh-chap-de-chiem-dat-o-bien-hoa-20190822214412413.htm