Giảng viên ĐH Nghệ thuật Quân đội, có bằng Thạc sĩ không hát nổi sau khi cha qua đời

Y Garia Ênuôl - con trai cố NSND Y Moan - chia sẻ về khoảnh khắc đau đớn không hát nổi sau khi cha qua đời.

Di sản của nghệ sĩ Y Moan

- Điều gì trong văn hóa Ê Đê đã khẳng định con người và âm nhạc của anh và làm thế nào anh tìm hiểu bản sắc đó trong cuộc sống hiện đại?

Dòng máu Ê Đê luôn chảy trong con người tôi, đó là điều bất di bất dịch. Ngay từ nhỏ, tôi đã được theo chân cha anh xem những buổi biểu diễn, lễ hội từ đơn sơ đến hiện đại trên sân khấu và trong đời sống của người Ê Đê. Điều đó nung nấu tôi tạo ra những sản phẩm diễn tả được sinh hoạt và cuộc sống thường ngày của người Ê Đê trong bối cảnh âm nhạc hiện đại.

- Là một người con của Tây Nguyên, đâu là ký ức tuổi thơ gắn bó nhất với vùng đất đỏ bazan và ký ức đó ảnh hưởng thế nào đến anh ngày hôm nay?

Thuở nhỏ, tôi được xem những buổi biểu diễn, tập luyện của đoàn ca múa dân tộc nơi ba tôi làm việc. Dòng máu âm nhạc chảy trong tôi như nhịp thở và nhịp đập tự nhiên. Khi lớn lên, môi trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho tôi nhiều kỷ niệm nhưng tôi luôn đau đáu về quê hương - mong muốn Tây Nguyên phát triển, con em đồng bào gìn giữ bản sắc âm nhạc Tây Nguyên.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi diễn cùng các bạn tại nhà văn hóa thanh thiếu nhi, trung tâm văn hóa, đoàn ca múa. Những chương trình tuy nhỏ nhưng đã để lại dấu ấn đặc biệt trong ký ức.

NSND Y Moan và 2 con trai Y Vol và Y Garia.

NSND Y Moan và 2 con trai Y Vol và Y Garia.

- Anh đã đối mặt với những áp lực nào khi tên mình gắn liền với huyền thoại Y Moan?

Đây không phải áp lực tiêu cực mà là thách thức để tôi tìm được vị trí trong nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc Tây Nguyên.

Di sản ba tôi để lại là tên tuổi khiến người đời nhớ mãi, gia đình luôn tự hào. Ba luôn ủng hộ tôi làm những điều mới, vận dụng kiến thức vào âm nhạc Tây Nguyên, tạo ra sản phẩm đặc biệt và bứt phá - tuy cũ mà mới, tuy mới mà cũ.

Ba mong 2 anh em có con đường học vấn tốt và phát triển. Tiếng nói, hơi thở của ba, của đại ngàn là nền tảng để tôi tiếp bước trên con đường âm nhạc.

- Anh có thể kể kỷ niệm sâu sắc với cha?

Đó là những khoảnh khắc đời thường được ba tận tay nấu những món ăn đồng bào, có thể cay hay đắng nhưng tôi không thể quên. Ba là đầu bếp số 1 của gia đình.

Khi thu âm bài Đôi chân trầnĐứa con của rừng sau ngày ba mất, tôi không thể hát nổi vì hình ảnh và lời ca như lời căn dặn của ba khi còn sống. Hình ảnh ấy cứ hiện về trong trí nhớ. Cả bài Giấc mơ Chapi cũng vậy, chỉ hát đoạn mở đầu đã nghẹn ngào không tiếp tục được.

Hy vọng năm nay, tôi và anh trai Y Vol sẽ thực hiện được chương trình tri ân tại Buôn Ma Thuột vào dịp 15 năm kỷ niệm ngày ba mất. Năm 2020, chúng tôi đã lên kế hoạch với nhạc sĩ Hoài Sa, Đức Trí và nhiều nghệ sĩ khác nhưng phải hủy vì đại dịch Covid.

Y Garia và Phương Thanh.

Y Garia và Phương Thanh.

Khát vọng đưa âm nhạc Tây Nguyên bùng cháy

- Chọn dòng nhạc rock Tây Nguyên, anh nghĩ thể loại này có thể đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với giới trẻ như thế nào?

Nhạc Tây Nguyên gợi lên những giai điệu rực lửa, sôi động. Rock Tây Nguyên sử dụng thang âm từ các dân tộc, bộ lạc của 5 tỉnh Tây Nguyên với tiết tấu rộn ràng và vui tươi - những âm thanh dùng trong lễ hội, kỷ niệm mùa màng bội thu hoặc chào đón điều mới.

- Là một giảng viên, anh truyền tải tinh thần Tây Nguyên đến học trò như thế nào?

Tôi luôn mong muốn học trò có sức khỏe tốt, rèn luyện, nỗ lực để duy trì phong độ trên sân khấu và trong tập luyện.

Sắp tới, tôi sẽ ra mắt tác phẩm cùng ban nhạc và anh trai Y Vol về đề tài Đam San - sử thi nổi tiếng. Tôi muốn mang đến cho khán giả hình ảnh chàng trai Đam San đi tìm nữ thần mặt trời một cách dễ hiểu.

Y Garia mong truyền lửa cho học trò và khát khao gìn giữ di sản âm nhạc Tây Nguyên

Y Garia mong truyền lửa cho học trò và khát khao gìn giữ di sản âm nhạc Tây Nguyên

- Nếu được chọn một giá trị sống quan trọng nhất mà anh muốn truyền lại cho thế hệ sau, đó sẽ là gì?

Tôi muốn tạo ra những tác phẩm, âm hưởng vang mãi theo thời gian - như dấu ấn để người đời nhắc đến. Với các học trò và con em đồng bào, tôi muốn họ có cách nhìn mạnh mẽ, đột phá, tích cực và sôi nổi về âm nhạc. Nhắc đến âm nhạc Tây Nguyên phải là sự bùng cháy.

Tôi không coi đó là áp lực mà là niềm kiêu hãnh và tự hào về ba. Thế hệ sau cần vun đắp, gìn giữ, duy trì con đường âm nhạc và tiếng nói của ba Y Moan cho nhiều thế hệ.

Y Garia thể hiện "Ly cafe Ban Mê":

Y Garia sinh ngày 14/7, tên thật Y Garia Ênuôl, là con trai thứ của cố NSND Y Moan. Sinh ra tại Đắk Lắk, anh là nghệ sĩ tiên phong theo đuổi dòng nhạc Rock Tây Nguyên, kế thừa di sản âm nhạc từ cha. Y Garia tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và lấy bằng Thạc sĩ tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc. Album đầu tay "Thời gian" (2013) của anh được yêu thích. Anh hiện công tác tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cơ sở 2.

Huy Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-trai-nsnd-y-moan-tiet-lo-giay-phut-khong-bao-gio-quen-trong-doi-2396455.html