Giảng viên là người đi trước có sứ mệnh truyền lửa và truyền nghề cho sinh viên

Tại các Trường Đại học, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức nền về nghề nghiệp tương lai mà còn được tiếp lửa bởi giảng viên. Họ chính là tiền bối đưa ra kinh nghiệm, dẫn dắt sinh viên vào trường đời.

Trường Đại học là môi trường để sinh viên có thể phát triển cơ hội nghề nghiệp cũng như xây dựng các kĩ năng cần thiết. Đó là nền tảng trang bị kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm trước khi sinh viên bước vào trường đời. Trong hành trình học tập và phát triển của sinh viên, các thầy/cô giáo tại Trường Đại học đóng vai trò quan trọng.

Tại Học viện Chính sách và Phát triển, Th.S Đào Văn Mừng, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản tạo ấn tượng với sinh viên bằng phong thái giảng dạy thân thiện, hài hước. Dù đã đứng lớp được hơn 20 năm nhưng thầy Đào Văn Mừng chưa bao giờ dám tự nhận mình là Thầy giáo. “Đơn giản, tôi chỉ là người truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm sống cho các bạn trẻ, chưa đạt đến đẳng cấp để nhận mình là Thầy giáo” - thầy tâm sự.

Th.S Đào Văn Mừng, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển.

Th.S Đào Văn Mừng, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển.

Nhờ châm ngôn “lấy người học làm trung tâm”, thầy không chỉ bồi dưỡng sinh viên về kiến thức chuyên môn mà còn đưa ra những lời khuyên hữu ích trên hành trình góp sức vào tương lai của các bạn trẻ.

Thầy chia sẻ: “Về phía giảng viên, kinh nghiệm của tôi là phải kích hoạt được không khí “lao động” của cả thầy và trò một cách cao nhất. Phương pháp của tôi thường dùng là chọn lựa những ví dụ vừa đảm bảo tính minh họa nội dung cần chuyển tải, nhưng cũng phải gần gũi, có tính hài hước để thu hẹp tối đa khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên. Mặt khác, giảng viên phải tích cực gợi mở và hướng dẫn người học tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt, với nhiều góc nhìn khác nhau.”

Giảng dạy với thầy Đào Văn Mừng không chỉ là truyền tải kiến thức mà còn là sự kết nối giữa thầy và trò.

Giảng dạy với thầy Đào Văn Mừng không chỉ là truyền tải kiến thức mà còn là sự kết nối giữa thầy và trò.

Tại Học viện Ngoại giao, TS. Lê Vũ Điệp, giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại được biết đến là người đã đào tạo nhiều lớp sinh viên thành công trong sự nghiệp “lái đò”. Dù đã có 13 năm thử sức ở nhiều vị trí khác nhau, cô vẫn quyết định trở thành giảng viên đại học ở độ tuổi U40 để trải nghiệm điều mới. “Nó liên quan đến sở thích và chữ duyên. Nếu có cơ hội để trở thành nhà giáo thì cô không ngần ngại để nắm bắt cơ hội này.” - cô trả lời.

 TS. Lê Vũ Điệp dự lễ tốt nghiệp của sinh viên.

TS. Lê Vũ Điệp dự lễ tốt nghiệp của sinh viên.

Bạn Đ.T.N, sinh viên Học viện Ngoại giao may mắn có cơ hội để học môn Lí thuyết truyền thông do cô Lê Vũ Điệp giảng dạy. “Mình thích những tiết học do cô Điệp đứng lớp. Cô quan tâm đến yếu tố tương tác trong lớp học, luôn đặt ra câu hỏi liệu các bạn có hiểu bài hay không, hiểu được đến đâu hay cần hỗ trợ, giúp đỡ điều gì. Yếu tố tương tác đó tạo ra bầu không khí khác biệt so với buổi học chỉ có mỗi thầy cô giảng bài cho sinh viên. Sau khi hoàn thàn tín chỉ của môn, cô thường cho các bạn tổng kết các bài học. Điều này hỗ trợ mình trong việc rèn luyện tư duy logic và hệ thống”.

Theo TS. Lê Vũ Điệp, giảng viên là người đi trước, có sứ mệnh truyền lửa và truyền nghề đến với sinh viên. Nghề dạy học là nghề cao quý bởi vì đó là công việc vừa tạo phúc vừa tạo nghiệp. Tạo phúc là khi thầy/cô giáo giúp sinh viên phát triển, mang giá trị thực chất cho các bạn. Nhưng nếu giảng viên làm những gì không đúng, không tốt, không hữu ích thì nó sẽ là tạo nghiệp.

Với cô Lê Vũ Điệp, đứng lớp mang đến niềm vui đặc biệt khác so với những ngành nghề cô từng làm trước đó.

Với cô Lê Vũ Điệp, đứng lớp mang đến niềm vui đặc biệt khác so với những ngành nghề cô từng làm trước đó.

Bên cạnh công sức của giảng viên trong quãng thời gian đại học, sinh viên cũng nên nắm bắt các cơ hội để cọ xát thực tế, chủ động học tập các kĩ năng cần thiết. Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, tổng kết quá trình lao động để rút kinh nghiệm cho bản thân. Điều này giúp sinh viên tận dụng hiệu quả quãng thời gian học tập.

(Ảnh: NVCC)

Xuân Nhàn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/giang-vien-la-nguoi-di-truoc-co-su-menh-truyen-lua-va-truyen-nghe-cho-sinh-vien-post1652208.tpo