Giành lại vỉa hè Hà Nội: Tránh đi vào 'vết xe đổ'

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội 'trống dong, cờ mở' trong việc giành lại vỉa hè. Song, ở lần này, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và bền bỉ hơn.

Trên phố Hàng Thùng (quận Hoàn Kiếm), bàn ghế bày kín vỉa hè và “bãi đỗ xe” của quán cafe ngay trong đợt cao điểm chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Ảnh: Quỳnh Anh - TTXVN

Trên phố Hàng Thùng (quận Hoàn Kiếm), bàn ghế bày kín vỉa hè và “bãi đỗ xe” của quán cafe ngay trong đợt cao điểm chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Ảnh: Quỳnh Anh - TTXVN

Từ ngày 1/3 đến ngày 1/4, tức là tròn 1 tháng Hà Nội ra quân giành lại vỉa hè, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, xử lý khoảng 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 50 tỷ đồng; xử lý gần 7.500 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, với số tiền phạt 9,2 tỷ đồng.

Nhờ công tác tuyên truyền kết hợp với xử lý, bảo đảm trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, nhất là tại 12 quận nội thành có chuyển biến. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện giảm dần. Các phương tiện được sắp xếp gọn gàng hơn. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn rất cần thành phố có biện pháp căn cơ hơn để quản lý vỉa hè khoa học, tránh đi vào “vết xe đổ” như những lần trước.

* Từng bước chuyển biến

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội “trống dong, cờ mở” trong việc giành lại vỉa hè. Song, ở lần này, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và bền bỉ hơn. Hà Nội đã xây dựng lộ trình cho việc "đòi lại" vỉa hè.

Cụ thể, giai đoạn 1, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15 - 28/2). Giai đoạn 2, lực lượng chức năng ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ ngày 1-30/3) và giai đoạn 3 là giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ ngày 30/3 - 1/11). Lần này, thành phố cũng quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể trong việc quản lý vỉa hè, không có chuyện nơi tích cực, nơi chây ì.

Bằng chứng cho việc này, mới đây, Ban Chỉ đạo 197 của Hà Nội cũng có văn bản nhắc nhở Trưởng ban Chỉ đạo 197 các quận về tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị (có các tuyến phố kèm theo).

Từ việc chỉ đạo rõ ràng, cụ thể và tinh thần vào cuộc quyết liệt kể trên, vỉa hè một số khu vực đã cơ bản quay về chức năng ban đầu là dành cho người đi bộ.

Phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), một trong những con phố đông đúc bậc nhất Thủ đô, với số lượng cửa hàng buôn bán san sát nhau. Những tháng trước đây, xe máy, hàng hóa bày bán tràn hết ra vỉa hè, người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của lực lượng Công an phường và cơ quan chức năng, hè phố Hàng Đào đã thông thoáng hơn.

Tương tự, phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ), phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), phố Kim Mã (quận Ba Đình)… đã gọn gàng và thông thoáng hơn, cơ bản không còn xuất hiện cảnh xe máy đỗ kín vỉa hè như trước đây.

Chị Nguyễn Thị Cải, trú tại quận Cầu Giấy, từng chứng kiến nhiều lần thành phố ra quân giành lại vỉa hè nhận xét, lần này chị thấy Hà Nội ra quân quyết liệt hơn. Các lực lượng chức năng cũng tích cực, làm việc không kể ngày đêm. Xe trật tự đô thị hay xe Cảnh sát giao thông đi nhắc nhở và xử phạt những người vi phạm quy định, khiến các tuyến phố thông thoáng hơn.

Đoạn vỉa hè phố Lý Thường Kiệt rẽ vào Ngô Quyền cũng thành chỗ đỗ ô tô (chụp chiều 13/3). Ảnh: Quỳnh Anh - TTXVN

Đoạn vỉa hè phố Lý Thường Kiệt rẽ vào Ngô Quyền cũng thành chỗ đỗ ô tô (chụp chiều 13/3). Ảnh: Quỳnh Anh - TTXVN

* Cần có những giải pháp lâu dài

Mặc dù triển khai quyết liệt và đã chuyển biến trong giành lại vỉa hè, song theo đánh giá của nhiều người, nếu không có những biện pháp dài hơi, có thể câu chuyện giành lại vỉa hè không đạt kết quả như mong muốn.

Ông Lê Việt Hùng, trú tại quận Hai Bà Trưng nhìn nhận, sở dĩ những lần trước "cuộc chiến" giành lại vỉa hè không đem lại kết quả như mong muốn là do thiếu “nhạc trưởng” và không có giải pháp về an sinh, đầu tư hạ tầng đi kèm.

Ông Hùng phân tích, vỉa hè là nơi sinh nhai của hàng nghìn hộ dân từ nhiều năm nay, họ coi vỉa hè là diện tích riêng của gia đình đã được cấp “sổ đỏ”. Nhiều người kiếm sống qua ngày tại vỉa hè bằng việc bán trà đá, vé số. Song cũng có không ít người kinh tế gia đình khá giả nhưng vẫn trục lợi trên vỉa hè bằng việc trông giữ xe trái phép, bày bán hàng cồng kềnh.

Do lợi ích từ vỉa hè đem lại không nhỏ, cộng thói quen sử dụng từ nhiều năm nên khi bị xử lý họ đã ra sức chống đối. “Mấy mươi năm chúng ta "bỏ quên" vỉa hè, cũng ngần ấy thời gian nhiều thế hệ người dân mưu sinh dựa vào lề đường. Từ gánh xôi, đậu phụ, xe bánh mì, vé số... đến quán xá, nhà hàng lớn nhỏ, cũng dựa vào vỉa hè để hưởng lợi.

Do đó, khi thành phố dẹp vỉa hè, nhiều người canh cánh trong lòng nỗi lo bị mất "nồi cơm". Việc chuyển sang một nghề khác không hề dễ dàng, họ rất mong được sắp xếp cho một địa điểm thích hợp để tiếp tục kiếm sống, từ đó dẫn tới giành lại vỉa hè trở nên khó khăn, nếu chính quyền không có giải pháp an sinh xã hội”, ông Hùng nhìn nhận.

Ở một góc nhìn khác, ông Hùng cho rằng, Hà Nội đang có kế hoạch phát triển kinh tế đêm. Trong khi ăn uống tại vỉa hè được coi là trải nghiệm mới lạ với khách du lịch nước ngoài khi đến Thủ đô, nên nếu chính quyền quản lý tốt theo kiểu cho thuê, thu phí sử dụng vỉa hè có thể đem lại nguồn thu ngân sách mới cho địa phương.

Đồng quan điểm cho thuê vỉa hè, ông Cao Đình Trung ở quận Đống Đa bày tỏ, rất khó có thể duy trì lực lượng 24/24 giờ để giữ vỉa hè. Do đó, hãy giao vỉa hè cho tư nhân quản lý theo dạng thuê tại những đoạn vỉa hè đủ rộng. Có thể nghiên cứu theo hướng, sau khi đã chừa lại 1,5m dành cho người đi bộ cho phép buôn bán, kinh doanh có thu phí.

Nguồn thu sẽ được sử dụng vào việc tái đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. Những vỉa hè nhỏ hẹp lực lượng chức năng duy trì việc kiểm tra, xử lý nghiêm, không để người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.

Có ý kiến khác cũng cho rằng, khi cho thuê với những vỉa hè đủ điều kiện cũng cần đưa ra quy định rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm người thuê, từ giờ giấc, vệ sinh môi trường, vị trí bày bán… Các tiêu chí, điều kiện cần công khai để người dân nắm được. Thậm chí, cần lập đường dây nóng tại phường để người dân có thể phản ánh bất cứ khi nào.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội, vỉa hè cần được thực hiện theo đúng chức năng của nó. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. Ngoài văn bản mang tính quy phạm pháp luật về việc sử dụng vỉa hè, mang tính chế tài mạnh mẽ hơn cần xử phạt nghiêm minh, có tính làm gương để vi phạm vỉa hè không thể tái diễn./.

Mạnh Khánh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gianh-lai-via-he-ha-noi-tranh-di-vao-vet-xe-do/286888.html