Giao 297 khu ga để Đường sắt tự đầu tư có khả thi?
Đường sắt đề xuất giao toàn bộ 297 khu ga đường sắt theo phương thức tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Khu ga Hà Nội là địa chỉ hấp dẫn, dễ đầu tư, khai thác nếu xây dựng thành tổ hợp vừa chạy tàu, vừa là trung tâm thương mại, văn phòng cho thuêẢnh: Tạ Hải
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đơn vị vừa đề xuất giao toàn bộ 297 khu ga đường sắt theo phương thức tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) để tự chủ trong đầu tư, khai thác. Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả.
Giảm áp lực ngân sách
Lý giải đề xuất trên, ông Minh cho biết, kinh nghiệm từ nhiều nước như: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, nhà ga là địa chỉ thể hiện kiến trúc của một đô thị, là tổ hợp bao gồm chạy tàu, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê.
“Khu ga Hà Nội, nếu được phép đầu tư xây dựng thì tầng 1, tầng 2 phục vụ cho vận tải, chạy tàu. Còn lại kinh doanh dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê, vì ga Hà Nội là đầu mối giao thông đô thị, rất thuận lợi cho các DN. Khi đó, ngoài nguồn lực của đơn vị, có thể kêu gọi từ các nhà đầu tư khác”, ông Minh dẫn chứng.
Theo ông Minh, các khu ga đường sắt hiện do Nhà nước đang quản lý nên chỉ theo dõi hao mòn lũy kế, không tái đầu tư, trong khi Nhà nước vẫn phải bỏ tiền bảo trì. Khi giao cho DN sẽ định giá lại, DN sẽ phải chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, trích khấu hao đối với các tài sản này. Trong số 297 khu ga chỉ có khoảng 15 - 20 khu ga có tính hấp dẫn.
“Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên chọn các khu ga hấp dẫn giao cho DN, với các khu ga còn lại Nhà nước vẫn phải bỏ vốn thực hiện bảo trì. Vì thế, Tổng công ty chọn phương án nhận cả 297 khu ga, khi đó từ thặng dư ở các khu ga hấp dẫn, sẽ bảo trì, từng bước đầu tư nâng cấp dần các khu ga còn lại, giảm áp lực đối với ngân sách Nhà nước”, ông Minh nói.
Phân tích thêm về tác động của đề xuất này đến giảm giá thành vận tải, ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh (Tổng công ty Đường sắt VN) cho biết, khi được tự chủ, từ nguồn thu kinh doanh kết cấu hạ tầng nhà ga, Tổng công ty sẽ cân đối trả lương cho người lao động tại các chi nhánh khai thác ga, thay vì chủ yếu trông vào doanh thu vận tải như hiện nay. Do đó, sẽ giảm được giá cung cấp dịch vụ điều hành vận tải cho các công ty vận tải đường sắt để các công ty này có dư địa giảm giá thành sản phẩm vận tải.
“Ví dụ, ga Hà Nội có thể cho thuê các khu vực dịch vụ, thu về hơn 10 tỷ đồng/năm. Với cả hệ thống khu ga, con số này lên đến hàng trăm tỷ, trong khi vốn bỏ ra gần như bằng không, chỉ phải nộp tiền thuê đất, thuế sử dụng đất”, ông Nam nêu ví dụ.
Thí điểm với ga Hà Nội, ga Sài Gòn?
Tìm hiểu của PV, Bộ GTVT đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Góp ý vào dự thảo đề án, hiện còn có các ý kiến khác nhau về việc có nên đưa đề xuất trên của Tổng công ty Đường sắt VN vào dự thảo hay không.
“
Luật Đường sắt quy định, Tổng công ty Đường sắt VN kinh doanh trên hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, nhưng không nhất thiết cái gì Nhà nước cũng phải nắm giữ. Những cơ sở hạ tầng đi kèm theo kinh doanh dịch vụ vận tải để doanh nghiệp phát huy thế mạnh của cơ sở hạ tầng, kích cầu vận tải thì nên giao cho doanh nghiệp. Như vậy, Nhà nước được thêm tiền, còn doanh nghiệp nuôi được bộ máy. Tuy nhiên, phải có ràng buộc, doanh nghiệp định làm gì đối với cơ sở hạ tầng đó phải có phương án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Định kỳ kiểm tra, nếu doanh nghiệp không làm đúng phương án đã được phê duyệt, phải đình chỉ ngay.
Ông Nguyễn Ân, chuyên gia GTVT
”
Theo Bộ Tư pháp, việc giao tài sản khu ga cho Tổng công ty Đường sắt VN theo phương thức tính thành vốn Nhà nước tại DN là phù hợp với đặc thù quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đồng thời, tạo bước đột phá để Tổng công ty có điều kiện khai thác tài sản một cách hiệu quả, tạo nguồn thu để tái đầu tư, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 3 vừa qua, Bộ GTVT cho rằng, một tuyến đường sắt khi vận hành khai thác phải có đầy đủ các hạng mục công trình, trong đó ga đường sắt là bộ phận quan trọng nhất.
Tại các khu ga có những tài sản trực tiếp liên quan đến chạy tàu như: Đường ga, ke ga, phòng chờ, phòng điều hành, bãi hàng và có những tài sản không liên quan đến chạy tàu như: Đường bộ trong ga, quảng trường…, song lại tạo thành một dây chuyền phục vụ cho hoạt động vận tải đường sắt.
Do đó, theo Bộ GTVT, để giao cho DN theo hình thức đầu tư vốn Nhà nước tại DN, Tổng công ty Đường sắt VN phải thực hiện theo đúng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 46/2018 và tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo khoản 5 Điều 4 Luật Đường sắt.
Sau khi Đề án được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT sẽ kiến nghị giao Tổng công ty xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Trong đó, xác định rõ danh mục, giá trị tài sản sẽ giao cho DN tính vào thành phần vốn Nhà nước đầu tư tại DN; tài sản nào cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Ở góc độ quản lý tài chính, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), trước mắt phải rà soát lại, công bố công khai danh mục các nhà ga. Trong đó, đánh giá những nhà ga nào có lợi thế, có thể khai thác ngay, phát huy được thương mại và phục vụ cho ngành Đường sắt có thể giao.
Còn những nhà ga chưa đủ các điều kiện này thì vẫn phải để Nhà nước quản lý, không nên giao tất cả cho ngành Đường sắt. “Trước mắt, nên thí điểm làm trước ở hai nhà ga Hà Nội và Sài Gòn. Khi làm tốt, mới mở rộng ra các nhà ga khác”, ông Tiến nêu quan điểm.