Giao ban công tác tư pháp khu vực phía Nam
Sáng 14/10, tại TP Đà Lạt, Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị giao ban các Sở Tư pháp khu vực phía Nam 9 tháng đầu năm 2022 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực trọng tâm của công tác tư pháp trong khu vực.
Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Mai Lương Khôi - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Báo cáo do ông Trần Hoài Phú – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam trình bày tại hội nghị cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của công tác tư pháp nói riêng, nhưng các Sở Tư pháp trong khu vực phía Nam đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tư pháp, chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022. Trong đó, tập trung tham mưu vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để thúc đẩy, khai thác các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, cách làm hay thích ứng với sự phát triển của xã hội; quản lý nhà nước về hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp tại các địa phương có những chuyển biến tích cực. Công tác xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng thực thi.
Công tác kiện toàn tổ chức, xây dựng bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp được các địa phương quan tâm đầu tư và xác định là yếu tố có tính quyết định đến việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình triển khai công tác tư pháp, nhiều cơ quan tư pháp trong khu vực đã có nhiều giải pháp, sáng kiến, mô hình mới, cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong ngành Tư pháp địa phương như: Công tác thẩm định văn bản rút ngắn thời gian quy định từ 15 ngày xuống còn 3 – 5 ngày; các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai rộng rãi trên các trang mạng xã hội, tuyên truyền trên internet; triển khai phần mềm quản lý vi bằng đến tổ chức thừa phát lại tiết kiệm 50% thời gian thực hiện; tham mưu triển khai thí điểm liên thông thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp – cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trên địa bàn … Qua đó, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2022, trong đó tập trung vào những khó khăn, vướng mắc, giải pháp triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp trọng tâm, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTG ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các địa phương; việc số hóa sổ hộ tịch tại địa phương.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện lãnh đạo các Sở Tư pháp khu vực phía Nam cũng trao đổi, thảo luận về công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế, triển khai thực hiện các chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, trợ giúp pháp lý tại địa phương; việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong công tác tư pháp, nhất là các lĩnh vực liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực; công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp, nhất là đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch ở cơ sở…