Giao các 'ông lớn' tham gia làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Chủ tịch Hội đồng Quản trị THACO cam kết sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép,...

Tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số

Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực.

Nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp FDI để chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những việc phải làm trước mắt và trong tương lai để tiếp tục phát triển.

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. Ảnh VGP

Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải tiếp tục rà soát, hằng tháng báo cáo những vướng mắc về thể chế để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi; như vấn đề miễn thuế trước bạ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế, phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai, thủ tục, giấy phép… Điều này rất cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp. Thời gian qua, các luật, các quy định mới liên quan đất đai, môi trường được ban hành đều có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng đặt vấn đề cần những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số; như các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp FDI phải đồng bộ tăng trưởng; phân tích kỹ, đánh giá ứng phó tình hình hiện nay như thế nào khi có kịch bản xấu xảy ra.

Thủ tướng chia sẻ, chúng ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

Bày tỏ ngưỡng mộ, khâm phục, đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, thành quả đạt được của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

Nhận định tình hình có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng mong lãnh đạo các doanh nghiệp từ thực tiễn, kinh nghiệm, thành công, với đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, mạnh dạn đóng góp ý kiến với tinh thần chân thành, thẳng thắn, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì Tổ quốc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

THACO chế tạo toa xe, Hòa Phát làm đường ray dự án 67 tỷ USD

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị THACO cho biết, với mục tiêu tăng trưởng của cả nước trong năm 2025 đạt 8%, cùng với các năm tiếp theo là hai con số thì các ngành mà THACO đang làm cũng cố gắng đóng góp vào mục tiêu này. THACO đã có được những nền tảng nhất định trong các ngành đang hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra. Thời gian tới THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

"Cùng với định hướng của Thủ tướng, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền Trung, Chu Lai, Quảng Nam và THACO, chúng tôi sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

Ảnh minh họa

Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm", ông Dương cam kết.

Đối với ô tô, ông Dương cho biết, hiện công ty ông sản xuất gần như là tất cả các loại sản phẩm và đang kiểm soát 32% thị phần. Năm 2024, THACO đã bán 92.000 xe, năm 2025 sẽ cố gắng bán 100.000 xe và THACO sẽ tập trung vào xe lai, xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng.

THACO hiện cũng đã đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, xe du lịch là từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 20%.

Thời gian tới, ông Dương cũng sẽ nhận trách nhiệm hình thành một mô hình sản xuất tại cao nguyên trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông, hiện nay, nhận diện tại cao nguyên gặp khó khăn do quy hoạch và hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, dẫn đến việc nông dân có người làm thành công, có người chưa thành công, có lúc thành công, có lúc không thành công.

Đối với logistics, THACO đã thành công với cảng 5.000 tấn chuyên dụng về container, đồng thời có kết nối với Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên. Vừa qua, Thủ tướng đã xử lý vấn đề luồng 5 vạn tấn do THACO tự đầu tư xây dựng.

Trong đầu tư xây dựng, ông Dương cam kết tăng cường chống lãng phí, tiêu cực để đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng cũng như khai thác các quỹ đất.

Cùng chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho biết thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 ngàn tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên Hòa Phát rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Hòa Phát xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.

Ông Long thông tin, hiện nay toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%. Ông Long cũng kiến nghị, cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ. Đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường cho rằng, chúng ta cần bàn để có cơ chế chính sách, giao cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

"Với đường sắt cao tốc, đường giao thông, chúng ta phải có ý tưởng trước. Chúng ta phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng mới cho vay tiền. Như với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10.000 tỷ đồng thì ngoài vốn tự có thì phải vay thêm ngân hàng. Bây giờ quan trọng nhất là có cơ chế", ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trường, muốn làm việc lớn thì chúng ta phải có ý tưởng, phải có mục tiêu dự án, phải tổ chức thực hiện tốt. Ví dụ như Ninh Bình chỉ có 25.000 ha, giao cho tôi 12.000 ha, tức là 57% diện tích của 1 tỉnh sẵn sàng giao cho doanh nghiệp chỉ có một cuộc họp rất ngắn - 15 phút.

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm, thấu hiểu và chia sẻ, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân.

Về các băn khoăn, trăn trở, Thủ tướng cho rằng băn khoăn, trăn trở nhất mà nhiều đại biểu để cập là việc các cấp, các ngành thực thi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh VGP

"Chúng tôi cam kết rà soát lại việc này, xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Phát triển hạ tầng chiến lược để tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí logistics và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước, cho xã hội, trong đó có phục vụ các doanh nghiệp", Thủ tướng phát biểu.

Với các bộ ngành, Thủ tướng đề nghị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cần trao đổi, bàn bạc với các doanh nghiệp, hai bên có cam kết để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước, ví dụ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT có cam kết với Hòa Phát về đường ray, với THACO về toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường…. Thủ tướng nhấn mạnh điều này phải trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, người dân, không có tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.

Nguyễn Lâm/ĐSPL

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/giao-cac-ong-lon-tham-gia-lam-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-10402.html