Giao cọc GPMB dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp Tiền Giang giao cọc GPMB dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, Tiền Giang, sáng 22/9, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã xuống thực địa hiện trường, giao cọc GPMB dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trên địa bàn Tiền Giang.
Dự án đi qua địa bàn 2 xã An Thái Trung và Tân Hưng thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang) với chiều dài 8km, khoảng trên 200 hộ (theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) bị ảnh hưởng bởi dự án.
“Việc giao cọc gỗ GPMB hôm nay nhằm để lập hồ sơ kiểm đếm sơ bộ, đến 15/10 giao cọc bê tông chính thức, lúc này mới đo đạc, kiểm đếm và khảo sát giá để áp giá bồi thường”, ông Sơn cho biết.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 5.886 tỉ đồng. Thời gian thực hiện, từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của vùng.
Theo quyết định của Thủ tướng, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài khoảng 27,43km, có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), đi theo hướng đông Nam và cách thị trấn Mỹ Thọ khoảng 7km.
Sau đó, tuyến đi theo hướng Đông qua giữa khu dân cư và khu sinh thái Xẻo Quýt, vượt qua sông Cái Lân và kết thúc giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong giai đoạn 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Quyết định của Thủ tướng chia dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1, dài khoảng 16km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỉ đồng (trong đó chi phí GPMB khoảng 458 tỉ đồng).
Dự án thành phần 2, dài khoảng 11,43km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỉ đồng (trong đó chi phí GPMB khoảng 398 tỉ đồng).
Theo quyết định của Thủ tướng về phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường cao tốc.