Giao đất giãn dân ở Hà Nội: Sớm hóa giải những bất cập

Giao đất giãn dân là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, giúp người dân tiếp cận đất với chi phí phù hợp. Tuy nhiên, việc giao đất giãn dân trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, gây bức xúc cho người dân và áp lực lớn cho các địa phương cần sớm được hóa giải...

Khu đất giãn dân tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) đã được quy hoạch nhưng chưa giao đất cho người dân.

Khu đất giãn dân tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) đã được quy hoạch nhưng chưa giao đất cho người dân.

Muôn kiểu ách tắc, vướng mắc

Hiện ở một số huyện, thị xã của thành phố Hà Nội (Thanh Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Sơn Tây…), hàng nghìn hộ dân phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vướng mắc, bức xúc liên quan đến đất giãn dân. Đơn cử tại thị xã Sơn Tây, dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính gần 20 năm nay, hàng trăm hộ dân ở các xã Sơn Đông, Cổ Đông, Đường Lâm vẫn chưa được nhận đất giãn dân.

Gia đình bà Ngô Thị Thỏa, cư trú tại thôn Thống Nhất, xã Sơn Đông là trường hợp điển hình. Năm 2006, gia đình bà được cấp đất giãn dân nên phải vay ngân hàng 20 triệu đồng để nộp tiền sử dụng đất và thuế trước bạ. Thế nhưng, tiền nợ ngân hàng phải trả, trong khi đất vẫn chưa thấy đâu.

Tương tự, tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, nhiều người dân đã nộp tiền từ năm 1994, đến nay, vẫn chưa nhận được đất giãn dân hoặc bị cấm sửa chữa nhà cửa, vì thủ tục pháp lý không rõ ràng. Ông Nguyễn Hữu Cầu (ở xã Thanh Mai) cho biết: “Gia đình tôi chờ đợi suốt 30 năm qua, không hiểu vì sao chính sách lại thay đổi giữa chừng”.

Không chỉ riêng thị xã Sơn Tây và huyện Thanh Oai, nhiều hộ dân ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất cũng phải đối mặt với khó khăn liên quan đến đất giãn dân. Dù đã được cấp đất giãn dân và đã xây dựng nhà, sinh sống ổn định nhưng họ vẫn không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Xây dựng phương án xử lý dứt điểm

Hộ gia đình bà Phí Thị Thùy ở thôn 4, xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được cấp đất giãn dân năm 2005, xây dựng nhà ở ổn định nhưng đến nay vẫn chưa có sổ đỏ.

Hộ gia đình bà Phí Thị Thùy ở thôn 4, xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được cấp đất giãn dân năm 2005, xây dựng nhà ở ổn định nhưng đến nay vẫn chưa có sổ đỏ.

Sự chậm trễ trong việc cấp đất giãn dân tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tồn tại hàng chục năm nay, gây bức xúc cho người dân.

Ông Phùng Văn Thiện, công chức địa chính xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) chia sẻ, trong quá trình xét duyệt cấp đất giãn dân, xã gặp không ít khó khăn, dù các hộ dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được định vị lô đất trên bản đồ quy hoạch, do các quy định pháp lý mới. Còn theo Chủ tịch UBND xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) Khuất Văn Xuyên, từ năm 2017, thị xã Sơn Tây đã tiến hành rà soát và khắc phục các vướng mắc về cấp đất giãn dân. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm, nhiều nội dung chưa được giải quyết do có thay đổi pháp lý.

Trong khi đó, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất Nguyễn Đức Lượng cho biết, nguyên nhân nhiều hộ chưa được giao đất hoặc cấp sổ đỏ là do các xã đã cấp đất giãn dân cho một số hộ ngoài quy hoạch, hoặc tự ý điều chỉnh quy hoạch, bổ sung đối tượng cấp đất và chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chính sách đất giãn dân kéo dài, thiếu đồng nhất trong cách thức triển khai nên quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết dứt điểm, từng địa phương cần xây dựng phương án cụ thể, đồng thời thực hiện theo nguyên tắc: Nếu đất giãn dân đã được giao ổn định từ trước và phù hợp với quy hoạch đất ở, không có tranh chấp thì tiến hành cấp sổ đỏ cho người dân. Căn cứ vào thời điểm bắt đầu sử dụng hoặc thời gian có quyết định giao đất để xử lý dứt điểm nghĩa vụ tài chính.

Vấn đề giao đất giãn dân đã kéo dài nhiều năm nay, gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là những trường hợp đã được phê duyệt và hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng chưa được nhận đất. Trước thực trạng này, ngày 11-4-2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND nhằm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thành phố yêu cầu các cấp, ngành chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp, đồng thời xử lý trách nhiệm những đơn vị để xảy ra "điểm nóng" về khiếu kiện. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng:

Giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đất giãn dân

Thời gian qua, huyện Thanh Oai đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất giãn dân. Huyện đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội một số vấn đề cụ thể, nhằm tháo gỡ các khó khăn, trong đó có 2 phương án để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng trong việc giao đất giãn dân tại địa phương.

Phương án thứ nhất dành cho những hộ đã nộp tiền và đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch. Chính quyền địa phương sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Nếu phương án này không được chấp thuận, huyện sẽ chuyển sang phương án thứ hai, đề xuất UBND thành phố hướng dẫn huyện xử lý tài chính cho các hộ dân đã nộp tiền, cũng như đề xuất phương án xử lý các công trình nhà ở đã xây dựng ổn định trên thực địa. Việc thực hiện các giải pháp triệt để không chỉ nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng nhiều năm, mà còn tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; bảo đảm quyền lợi chính đáng của người được giao đất trong việc sử dụng đất.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây Nguyễn Trung Thành:

Thị xã Sơn Tây đối mặt với hai "điểm nghẽn"

Hiện việc giao đất giãn dân trên địa bàn thị xã Sơn Tây đang đối mặt với hai "điểm nghẽn" cơ bản. Thứ nhất, hiện vẫn còn có khu đất giãn dân chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được thực hiện. Điều này không chỉ khiến thị xã không thể tổ chức giao đất trên thực địa, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân, khi không được cấp sổ đỏ. Thứ hai là liên quan đến quy định trong Luật Đất đai yêu cầu việc giao đất phải thông qua đấu giá. Thế nhưng, đất giãn dân lại không nằm trong diện giao đất thông qua hình thức này. Hơn nữa, còn có quan điểm khác nhau về việc tính nghĩa vụ tài chính dựa trên giá đất tại thời điểm ban hành quyết định giao đất hiện nay hay tại thời điểm người dân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính từ những năm 2006 trở về trước.
Để giải quyết những vướng mắc này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thị xã Sơn Tây và các cơ quan cấp trên, nhằm đề xuất phương án xử lý phù hợp cho các hộ dân đã nộp tiền và sử dụng đất ổn định.

Bà Đặng Thị Minh (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên):

Chủ động và quyết liệt giải quyết

Là người dân tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, tôi đã chứng kiến nhiều biến động trong việc quản lý đất đai, nhất là vấn đề giao đất giãn dân. Đặc biệt, những hộ sử dụng đất giãn dân ổn định, phù hợp quy hoạch và không thuộc diện thu hồi để phục vụ cho các dự án, trách nhiệm của chính quyền địa phương là phải chủ động và quyết liệt giải quyết. Chính quyền cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra phương án xử lý thống nhất dựa trên các quy định pháp luật, tránh tình trạng xin ý kiến, rồi lại chờ phê duyệt. Sự chậm trễ này không chỉ gây khó khăn cho người dân trong việc sử dụng đất hợp pháp, mà còn tạo ra sự bất công, bức xúc trong xã hội.

Tôi mong muốn chính quyền có những hành động thiết thực, không để tình trạng này kéo dài, gây thiệt thòi cho người dân. Việc giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đất giãn dân, không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân, mà còn tạo sự ổn định, không để tình trạng kiến nghị kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Sơn Tùng ghi

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giao-dat-gian-dan-o-ha-noi-som-hoa-giai-nhung-bat-cap-683256.html