Giao đầu mối phản biện chọn phương án tối ưu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước nghiên cứu, phản biện độc lập để lựa phương án tối ưu cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Đây là một trong những nội dung trong Thông báo số 152/TB – VPCP thông báo Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia diễn ra vào ngày 26/3.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu (các ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, bao gồm ý kiến của GS.TSKH Lã Ngọc Khuê), trong đó đánh giá toàn diện các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tối ưu.
Phó thủ tướng lưu ý phương án triển khai phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng, tín hiệu, thiết bị, toa xe, đầu máy… Đối với các ga tại TP. Hà Nội và TP.HCM cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm, trên cao… bảo đảm thuận tiện cho hành khách.
Về tốc độ thiết kế, Phó thủ tướng chỉ đạo tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới như Bộ GTVT báo cáo (làm rõ tiêu chuẩn, tổ chức khai thác vận tải, cách làm của từng nước); phân tích, chứng minh về hiệu quả kinh tế, tài chính đối với trường hợp chỉ vận tải hành khách, hoặc vận tải hành khách kết hợp vận tài hàng hóa.
Về chuyển giao công nghệ, Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất lập Đề án riêng để phân tích, chọn đối tác chuyển giao công nghệ; lựa chọn tổ chức tiếp nhận công nghệ để làm chủ công nghệ (thành lập mới 1 tập đoàn nhà nước, giao doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân, đơn vị quân đội…).
Về phân kỳ đầu tư, nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, có thể kiến nghị đầu tư đồng thời, một lần để giảm thời gian, chi phí,…
Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) nghiên cứu, phản biện độc lập để lựa phương án tối ưu.
Trước đó, trong đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đánh giá, Dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.
Đồng thời đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần có sự chỉ đạo tập trung từ cấp cao nhất, có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật (công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ v.v...), mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.
Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định; các chuyên gia đồng thời triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt.
Bộ GTVT cũng đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như Châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, Bộ GTVT sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.