Giao đầu mối xử lý kiến nghị của UBND TP.HCM về Dự án đường Vành đai 4

Có ít nhất 11 nhóm cơ chế đặc thù do UBND TP.HCM đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP.HCM sẽ được 2 bộ, ngành liên quan xem xét.

Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6367/VPCP-CN gửi Bộ trưởng 2 bộ: GTVT và Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan, địa phương liên quan xem xét kiến nghị của UBND TP.HCM về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2024.

Trước đó, vào ngày 31/8, UBND TP.HCM đã có Công văn số 5100/UBND-DA báo cáo Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.

Tại Công văn số 5100, UBND TP.HCM đã đề xuất 11 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP.HCM trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Trong đó, đáng chú ý là việc UBND TP.HCM kiến nghị cấp có thẩm quyền giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng Ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; được sử dụng Ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương (cầu tiếp giáp địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai, cầu Thủ Biên tiếp giáp địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương).

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn Ngân sách tham gia dự án; riêng tỉnh Long An, Ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn Ngân sách tham gia dự án.

UBND TP.HCM kiến nghị cho phép thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM trên cơ sở quy mô, hướng tuyến đã nghiên cứu trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Sau khi cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT và các địa phương (TP.HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương) thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh các đồ án quy hoạch có liên quan trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định.

Được biết, Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 207km (Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km; Đồng Nai 45,54km; Bình Dương 47,45km; TP.HCM 17,3km; Long An 78,3km (trong đó đoạn trên địa bàn tỉnh Long An là 74,5km, đoạn trên địa bàn TP.HCM là 3,8km).

Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu có bề rộng mặt cắt ngang là 25,5m (bề rộng làn xe 3,75m, làn dừng khẩn cấp 3m, dải phân cách 1,5m); khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 7.972 tỷ đồng.

Đoạn tuyến trên địa bàn Đồng Nai có bề rộng mặt cắt ngang là 25,5m (bề rộng làn xe 3,75m, làn dừng khẩn cấp 3 m, dải phân cách 1,5m); khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 19.151 tỷ đồng.

Đoạn tuyến trên địa bàn Bình Dương có bề rộng mặt cắt ngang là 25,5m (bề rộng làn xe 3,75m, làn dừng khẩn cấp 3m, dải phân cách 1,5m); khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 19.827 tỷ đồng.

Đoạn tuyến trên địa bàn TP.HCM có bề rộng mặt cắt ngang là 25,5m (bề rộng làn xe 3,75m, làn dừng khẩn cấp 3m, dải phân cách 1,5m); khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 14.089 tỷ đồng.

Đoạn tuyến trên địa bàn Long An có bề rộng mặt cắt ngang là 25,5m (bề rộng làn xe 3,75m, làn dừng khẩn cấp 3m, dải phân cách 1,5m); khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 67.024 tỷ đồng.

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giao-dau-moi-xu-ly-kien-nghi-cua-ubnd-tphcm-ve-du-an-duong-vanh-dai-4-d224333.html