Giao dịch chứng khoán phiên sáng 11/7: Nhóm nông nghiệp khởi sắc
Dù rằng vẫn còn thiếu đi sự dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu lớn, nhưng nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái lạc quan, dòng tiền tham gia tích cực và có mức độ lan tỏa tương đối tốt khi sắc xanh chiếm ưu thế lớn trên bảng điện tử.
Trong phiên hôm qua, thị trường tiếp tục khả quan từ sớm khi sắc xanh xuất hiện trên diện rộng trên bảng điện tử.
Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là BID khi trở thành ngôi sao sáng, tiếp tục dẫn dắt xu hướng tăng, giúp VN-Index vượt vùng đỉnh mới của năm khá xa và tiệm cận mốc 1.150 điểm, điều này càng giúp tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng hơn về con sóng nhóm ngân hàng có thể lan tỏa rộng hơn và kéo dài hơn.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 11/7, giao dịch tiếp tục sôi động từ sớm với sắc xanh lan tỏa mạnh trên bảng điện tử, nhưng VN-Index chỉ nhích nhẹ vài điểm do thiếu sự hỗ trợ của các mã lớn, dù đa số các bluechip đều đang tăng điểm.
Dòng tiền vẫn chủ yếu tìm đến các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, ngân hàng, công ty chứng khoán với những cái tên như SHB, LPB, MSB, MBB, VPB, CTG, VND, SSI, VIX, KHG, CII, DIG…đang khớp lệnh cao nhất thị trường, mặc dù mức tăng còn tăng còn khiêm tốn, chỉ khoảng 1-2%.
Trong khi đó, HAG đang vươn lên dẫn đầu thanh khoản và bỏ xa phần còn lại, với hơn 17 triệu đơn vị khớp lệnh sau hơn 1 giờ giao dịch, giá cổ phiếu cũng tăng mạnh hơn 4%. Các cổ phiếu nông nghiệp khác cũng đang có sức bật tốt như DBC nhích hơn 3%, TSC tăng hơn 5%...
Một vài cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng đang thu hút lực cầu tốt và tăng mạnh có CTD, BCG, TDC, CCL, VPH với mức tăng từ 4% đến hơn 6%.
Vượt nhẹ mốc 1.150 điểm, thị trường tiếp tục tiến lên, nhưng đà tăng đã bị chặn lại ở gần 1.155 điểm ở những phút cuối. Trong khi đó, tâm lý lạc quan và tích cực vẫn đang trợ giúp đắc lực với xu hướng của thị trường khi thanh khoản vẫn đều đều tăng và đứng ở mức cao.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 268 mã tăng và 125 mã giảm, VN-Index tăng 5,94 điểm (+0,52%), lên 1.154,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 451,5 triệu đơn vị, giá trị 9.246 tỷ đồng, không khác nhiều so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,5 triệu đơn vị, giá trị 1.097 tỷ đồng.
Nhóm bluechip trong rổ VN30 có tới 21 mã tăng, nhưng cũng chỉ một số bật lên như CTG +2,2% lên 30.350 đồng, MSN +2,1% lên 79.500 đồng, MBB +1,9% lên 21.150 đồng. Các cổ phiếu TCB, VHM, HPG, ACB, PDR, STB, HDB, VRE nhích nhẹ từ 0,2% đến hơn 1,5%.
Trái lại thì chỉ còn lác đác vài mã giảm với VJC -1,1% xuống 93.200 đồng, còn MWG, FPT, BID và PLX chỉ mất điểm nhẹ.
Trong đó, SSI phiên này khớp lệnh tốt nhất nhóm với hơn 13,3 triệu đơn vị, HPG khớp 9,1 triệu đơn vị và các cổ phiếu ngân hàng ACB, MBB, CTG, VPB, STB khớp từ 5,5 triệu đến hơn 11,1 triệu đơn vị.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số bứt lên với thanh khoản tốt, trong đó, nhóm cổ phiếu nông nghiệp với HAG vượt trội khi có hơn 21,5 triệu đơn vị khớp lệnh, cao nhất sàn, giá cổ phiếu tăng mạnh 3,9% lên 8.520 đồng. Các cổ phiếu trong nhóm có TSC +4,3% lên 4.870 đồng, DBC +2,9% lên 25.000 đồng, PAN +2% leen 20.750 đồng, và LAF tăng trần lên 16.500 đồng, dù thanh khoản không cao,
Ở những nhóm cổ phiếu khác, một số cổ phiếu ở các ngành bất động sản, xây dựng có mức tăng tốt như DC4 tăng trần +7% lên 9.630 đồng, CCL +5,3% lên 7.790 đồng, BCG +4% lên 9.830 đồng, TCD +3,8% lên 9.180 đồng, CTD +3,5% lên 77.600 đồng, HHS +3,5% lên 5.040 đồng, VPH +3,5% lên 7.350 đồng…
Top các cổ phiếu thanh khoản cao khác cũng đa phần mang sắc xanh, với những cái tên ở các nhóm trên và có thêm các cổ phiếu công ty chứng khoán, ngân hàng, như HCM, ASM, LPB, MSB, VIX, VND…
Ở chiều ngược lại, chỉ một vài cổ phiếu giảm sâu, nhưng đa phần thanh khoản thấp, ngoại trừ CTF khi bất ngờ giảm sàn -6,9% xuống 31.750 đồng, khớp hơn 0,35 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chớm đỏ khi mở cửa, nhưng đã nhanh chóng hồi phục và dần đi lên, tạm nghỉ ở ngay mức cao nhất đạt được trong phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 93 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 1,86 điểm (+0,81%), lên 230,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,4 triệu đơn vị, giá trị 946,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,3 triệu đơn vị, giá trị gần 25 tỷ đồng.
Giao dịch đáng chú ý nhất vẫn ở nhóm cổ phiếu APEC, với IDJ giảm sàn -8,8% xuống 5.200 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HNX với 10,2 triệu đơn vị, cổ phiếu API cũng giảm sàn -9,4% xuống 5.800 đồng, khớp 3,93 triệu đơn vị, cổ phiếu APS thoát giá sàn nhưng vẫn giảm sâu -7,9% xuống 5.800 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, sự tích cực đến với C69 +8,1% lên 10.700 đồng, AAV +5,1% lên 6.200 đồng, TAR +4,9% lên 17.200 đồng, HUT +4,6% lên 20.300 đồng, NVB +4,3% lên 14.700 đồng. Các mã còn tăng khác có SHS, IDC, CEO, PVS, TNG, VC2, nhưng mức tăng chỉ 1-2%, khớp 0,49 triệu đến hơn 8,2 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sớm tăng điểm và nhích dần lên các mức cao hơn trong phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,78 điểm (+0,92%), lên 86,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,5 triệu đơn vị, giá trị 385,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,99 triệu đơn vị, giá trị 10,1 tỷ đồng.
Phần lớn các cổ phiếu thanh khoản cao nhất đều tăng, ngoại trừ VGI giảm nhẹ và VGT, G36, VHG và C4G đứng giá tham chiếu.
Các cổ phiếu tăng tốt có PFL +7,5% lên 4.300 đồng, CEN +6,7% lên 6.400 đồng, DDV +3,7% lên 11.100 đồng, BMS +3,3% lên 9.400 đồng, QNS +3,1% lên 50.100 đồng.
Trong khi đó, ABB là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất UpCoM khi có 1,44 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 2,3% lên 9.000 đồng, theo sau là BSR với 3,2 triệu đơn vị và tăng nhẹ 0,6% lên 18.000 đồng.