Giao dịch chứng khoán phiên sáng 15/8: Các mã bất động sản vừa và nhỏ đang bứt lên

Trong khi sự thận trọng có phần chiếm ưu thế do VN-Index đã trở lại vùng đỉnh của tuần trước, thì một bộ phận dòng tiền vẫn đang dành sự ưu ái cho các cổ phiếu bất động sản nhỏ với những cái tên đáng chú ý trong phiên sáng nay như ITA, DRH, CEO và L14.

Trong phiên hôm qua, dòng tiền lan tỏa giúp VN-Index duy trì đà tăng trong trạng thái khá tích cực, nhưng chưa thể chinh phục lại mốc 1.240 điểm do thiếu sự đồng thuận của nhóm VN30 bởi trạng thái phân hóa.

Về cuối phiên, thị trường thu hẹp đà tăng khi một số bluechip yếu đi, nhưng vẫn đóng cửa tăng điểm với thanh khoản thêm một ngày vượt xa mức 20.000 tỷ đồng với điểm nhấn từ đà tăng tốc của nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 15/8, áp lực phân hóa cao đã sớm xuất hiện trên bảng điện tử và VN-Index nhanh chóng đảo chiều lùi bước, nhưng mức giảm cũng không đáng kể khi nhóm cổ phiếu lớn gần như ít biến động.

Dòng tiền ưu ái nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hơn, với những cổ phiếu DRH, ITA đang là tâm điểm thu hút lực cầu giúp cả hai sớm tăng kịch trần, khớp lệnh hơn 7,7 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch, thuộc top cao nhất sàn HOSE.

Đáng chú ý khác là trên sàn HNX với cổ phiếu CEO đang khớp lệnh vượt trội với gần 21 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng đã tăng trần lên 23.400 đồng.

Cổ phiếu L14 cũng đã tăng hết biên độ lên 57.200 đồng, sau khi công bố mua hàng loạt cổ phiếu NVL, DIG, PDR, ITA trong báo cáo tài chính bán niên 2023, với khối lượng từ 0,5 đến 1 triệu đơn vị.

Sức ép từ nhóm bluechip, đôi lúc là VIC nới rộng đà giảm đã khiến VN-Index yếu dần và chỉ thu hẹp đà giảm khi tìm về gần 1.230 điểm. Dòng tiền chậm lại cũng là nguyên nhân khiến chỉ số tạm kết phiên trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 208 mã tăng và 239 mã giảm, VN-Index giảm 3,91 điểm (-0,32%), xuống 1.232,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 433,8 triệu đơn vị, giá trị 8.985,6 tỷ đồng, giảm hơn 20% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,7 triệu đơn vị, giá trị 527,6 tỷ đồng.

Khá nhiều bluechip giảm điểm, nhưng đa phần chỉ giảm nhẹ, với SSB dù là mã giảm mạnh nhất cũng chỉ -2% xuống 29.150 đồng. Theo sau là BCM -1,8% xuống 72.200 đồng và VIC -1,8% xuống 72.000 đồng, dù có thời điểm giảm 3%.

Giảm hơn 1% cũng chỉ còn VRE, HPG, BID, SSI và STB, còn GAS, VNM, ACB, CTG, FPT, PLX…chỉ mất điểm nhẹ.

Lác đác một vài mã tăng, với MWG tăng tốt nhất, dù chỉ +1,5% lên 55.000 đồng, VHM +1,3% lên 62.000 đồng…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, vẫn là hai cái tên ở nhóm bất động sản ITA và DRH, khi kết phiên trong sắc tím tại 6.560 đồng và 7.910 đồng, khớp lần lượt 8 triệu và 9,9 triệu đơn vị.

Tăng tốt khác ở nhóm bất động sản, xây dựng chỉ còn HAR +2,5% lên 5.300 đồng, ITC +2,6% lên 13.750 đồng, CKG +3% lên 25.750 đồng, FCN +3,2% lên 18.000 đồng, HQC +4,2% lên 5.010 đồng.

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu riêng lẻ ở các nhóm nông nghiệp, dịch vụ, nguyên vật liệu cũng đã tăng tốt như FCM, HSL, VID khi kết phiên tăng trần, cổ phiếu EVF +5,9% lên 11.650 đồng, VPG +4,8% lên 21.800 đồng, AAA +2,1% lên 12.050 đồng.

Dù có nhiều mã giảm trên bảng điện tử, nhưng gần như không có cổ phiếu nào giảm quá sâu, với chỉ cái tên đáng kể là TCH -3% xuống 13.100 đồng, khớp 10,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, đà tăng tích cực của một số cổ phiếu lớn đã giữ cho HNX-Index có phiên đứng vững trên vùng giá xanh, dù kết phiên cũng không còn giữ được mức cao nhất đạt được.

Chốt phiên, sàn HNX có 82 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 1,71 điểm (+0,68%), lên 252,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,9 triệu đơn vị, giá trị 1.411,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,94 triệu đơn vị, giá trị 19,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO phiên này khớp lệnh vượt trội với hơn 26,1 triệu đơn vị, giá cổ phiếu có thời điểm tăng trần, trước khi kết phiên +9,4% lên 23.300 đồng.

Tăng tốt với thanh khoản cao khác còn nhóm nhà APEC với APS +7,5% lên 8.600 đồng, API +7,1% lên 7.500 đồng, IDJ +5,3% lên 8.000 đồng, khớp từ 1,87 triệu đến hơn 5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó là L14, khi giữ được giá trần +10% lên 57.200 đồng, khớp lệnh hơn 0,59 triệu đơn vị.

Các mã giảm có SHS, PVS, HUT, DDG, MBS, NRC, PVC, nhưng mức giảm chỉ trên dưới 1%, khớp từ 0,68 triệu đến hơn 5,11 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau ít phút đầu giằng co quanh tham chiếu cũng đã yếu đà và chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,47%), xuống 93,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,5 triệu đơn vị, giá trị 420,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,23 triệu đơn vị, giá trị 2,65 tỷ đồng.

Khá nhiều cổ phiếu giằng co mạnh và chỉ có được giá tham chiếu trong top những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất, như G36, VTP, LMH, DDV, VGT, C4G, VHG, và BSR, khớp từ 0,42 triệu đến 5,44 triệu đơn vị.

Các mã tăng phần còn chỉ nhích nhẹ, nhưng đáng chú ý có VSF, khi được giải cứu sau 3 phiên liên tiếp mất thanh khoản, giá cổ phiếu tăng 0,4% lên 24.500 đồng, khớp 0,92 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-sang-158-cac-ma-bat-dong-san-vua-va-nho-dang-but-len-post327972.html